Lần đầu tiên tại Việt Nam, những công nghệ 4.0 về xử lý hình ảnh, AI,… được áp dụng để hỗ trợ người nông dân nhằm đánh giá mức độ phát triển của cây lúa. Giải pháp của Viettel có khả năng giám sát trên diện rộng, tạo tiền đề cho áp dụng quảng canh năng suất cao.
Trong lĩnh vực y tế, giải pháp phân tích và chẩn đoán bất thường qua ảnh siêu âm đang được Viettel hoàn tất các thử nghiệm cuối cùng trong phòng thí nghiệm. Giải pháp chẩn đoán qua hình ảnh hỗ trợ người bệnh và các bác sỹ 24/7. Giai đoạn hiện nay, Viettel tập trung vào phân tích bất thường trong hệ thống tiêu hóa- lĩnh vực nổi cộm ở Việt Nam nhưng lại thiếu giải pháp của nước ngoài.
Bên cạnh nông nghiệp và y tế, Viettel cũng đang triển khai đưa AI vào lĩnh vực lâm nghiệp và giao thông. Việc ứng dụng công nghệ AI nhằm giải quyết các thách thức của xã hội là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược “Kiến tạo xã hội số” của Viettel. Các sản phẩm của Viettel hướng đến phục vụ cá nhân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Từ đầu năm 2019, Viettel liên tiếp thành lập các công ty thành viên như Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, Công ty An ninh mạng Viettel, và dự kiến tiếp theo là Tổng công ty Digital nhằm đưa các sản phẩm dịch vụ số vào cuộc sống.
Cho đến nay, Viettel vẫn là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam sở hữu đầy đủ các điều kiện để triển khai đưa viễn thông và CNTT len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với hạ tầng 4G rộng nhất; hạ tầng cáp quang lớn nhất, hệ thống NB-IoT thuộc top 50 nhà mạng đầu tiên triển khai trên thế giới; hệ thống e-sim đầu tiên ở Việt Nam.
Theo vietq.vn