Tối 29/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2023.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, chương trình “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc để biểu dương, tôn vinh những doanh nghiệp tiêu biểu trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tích cực cải thiện môi trường làm việc của người lao động, quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, hướng tới mục tiêu doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, bền vững, người lao động ngày càng tiến bộ, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chương trình là hoạt động thường niên do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, các đơn vị phối hợp là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức; Báo Lao động là đơn vị thường trực. Tính đến năm 2022, chương trình đã xếp hạng 447 lượt doanh nghiệp, tặng giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” cho 23 doanh nghiệp; 20 doanh nghiệp được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 176 doanh nghiệp được tặng Bằng khen của các cơ quan đồng tổ chức.
Năm nay, trong bối cảnh cả nước và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực vượt khó khăn, tiếp tục phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế giai đoạn hậu COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan phối hợp đã chủ động xây dựng kế hoạch; chỉ đạo triển khai từ sớm việc tổ chức chương trình. Từ hồ sơ của hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tham gia, được giới thiệu, qua nhiều vòng xét chọn khoa học, chặt chẽ, khách quan, Hội đồng xét chọn đã đề xuất và được Ban Chỉ đạo chương trình thống nhất vinh danh 64 doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong phong trào “Doanh nghiệp vì người lao động”.
Biểu dương 64 doanh nghiệp được tôn vinh, phát biểu tại Lễ vinh danh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, đây là những doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp trên các lĩnh vực, ở mọi vùng miền, địa phương trên cả nước đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì và giữ được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19, đồng thời thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; kết hợp hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với quyền lợi của người lao động, tạo ra giá trị tích cực cho xã hội.
Nhấn mạnh người lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển chung của doanh nghiệp. Người lao động cũng là một động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, việc chăm lo, bảo vệ và tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động, xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững, tiến bộ cũng chính là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
"Để đạt được mối quan hệ hài hòa, ổn định, doanh nghiệp cần phải coi mỗi người lao động là tài sản vô giá của mình và mỗi người lao động cũng đều nhận thức đầy đủ trách nhiệm của bản thân với sự phát triển chung của doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nói đồng thời khẳng định, Chính phủ, tập thể lãnh đạo Chính phủ tiếp tục nhất quán quan điểm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tình hình mới.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp tiếp tục xây dựng, triển khai hiệu quả phong trào thi đua học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt đời trong công nhân lao động; Tăng cường các hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật để người lao động tuân thủ và hiểu biết pháp luật trong lao động, hỗ trợ kịp thời người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động; Tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với những người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật./.
Theo Dangcongsan.vn