Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, quý I/2022, GRDP của tỉnh ước tăng 7,89% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,03% của cả nước. Với kết quả này, Vĩnh Phúc đứng thứ 13/63 tỉnh, thành về tốc độ tăng trưởng GRDP.
Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng đạt mức tăng 14,52%, đóng góp 7,19 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của tỉnh; khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,10%, đóng góp 0,06 điểm phầm trăm; khu vực dịch vụ tăng 1,17%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 1,64%, đóng góp 0,40 điểm phần trăm.
Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, các ca lây nhiễm trong khu công nghiệp tăng nhanh, song công tác phòng, chống dịch đã được điều chỉnh theo hướng thích ứng, linh hoạt, hiệu quả. Các đơn vị sản xuất trên địa bàn đã ứng phó tốt với các diễn biến khác nhau của dịch Covid-19.Trong mức tăng 14,52% của khu vực công nghiệp-xây dựng, riêng ngành công nghiệp tăng 15,7%, đóng góp 7,04 điểm % vào mức tăng trưởng chung của kinh tế địa phương, khu vực này cũng được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.
Mức tăng trưởng tích cực của khu vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong quý I/2022 cũng được Cục Thống kê địa phương đánh giá là bước khởi đầu quan trọng, thúc đẩy kinh tế trong tỉnh đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2022.
Trong ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nguyên nhân là bởi các hãng công nghệ lớn liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm mới, điển hình là ngày 9/2/2022, Samsung Việt Nam đã ra mắt thế hệ điện thoại mới S22 series với các phiên bản S22, S22 plus; S22 Ultra.
Ngày 9/3/2022, Apple đã giới thiệu hàng hoạt sản phẩm công nghệ mới, bao gồm: Iphone SE 2022, iPad Air 5 và Mac Studio... đã khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm linh kiện điện tử tăng cao, sản lượng sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, giá trị tăng thêm của ngành tăng 23,14% so cùng kỳ năm 2021, đóng góp 4,37 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ngành sản xuất ô tô trên địa bàn phục hồi tích cực với mức tăng 11,93% so với quý I năm 2021 do người dân tập trung mua xe phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 về giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành trong thời gian 06 tháng kể từ ngày 01/12/2021 đã kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành gia tăng sản lượng đưa ngành tăng trưởng cao, đóng góp 0,64 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Ngành sản xuất xe máy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng ghi nhận tăng 16,12% so với quý I năm 2021. Các doanh nghiệp lớn trong ngành như Honda, Piaggio vẫn liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm mới với nhiều cải tiến về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, đáp ứng sự lựa chọn của nhiều đối tượng khách hàng; đồng thời, đưa ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại, tri ân khách hàng để gia tăng sức mua.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng 3/2022 ước tính tăng 36,51% so với tháng trước và tăng 12,62% so với cùng kỳ năm trước. IIP quý I năm 2022 ước tính tăng 15,29% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 15,37%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,29%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,92%; riêng ngành khai khoáng giảm 18,33%.
Một số ngành công nghiệp chủ lực đã phát huy vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp của tỉnh và vẫn duy trì tốc độ tăng cao so cùng kỳ như: Sản xuất linh kiện điện tử tăng 21,99%; sản xuất ô tô tăng 10,07%; sản xuất xe máy tăng 15,47%; sản xuất trang phục tăng 18,75%; dệt tăng 6,88%; sản xuất kim loại tăng 2,45%...
Cùng với đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn cũng có sự tăng trưởng ấn tượng, cụ thể, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến sản xuất được: 84.084 tấn thức ăn gia súc, gia cầm, tăng 8,68%; 3.502 nghìn đôi giày thể thao, tăng 3,40%; 15.400 xe ô tô các loại, tăng 10,07%; 417.268 xe máy các loại, tăng 15,47%...
Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp, đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng với chiều sâu, trọng tâm là tăng năng suất lao động, hàm lượng khoa học và công nghệ cao; nâng cao năng lực quản trị; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh và quản lý xã hội. |
Theo báo Công Thương