Theo đó, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,54% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay. Mức tăng này cao hơn so với bình quân chung cả nước (ước tăng 8%), đưa tăng trưởng bình quân của Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2022 đạt gần 9%/năm (nằm trong top 10 địa phương có tăng trưởng cao nhất cả nước).
GRDP bình quân/người ước đạt khoảng gần 128 triệu đồng/người/năm; tiếp tục nằm trong top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 35.700 tỷ đồng, bằng 112% dự toán, tăng 8,5% so với năm 2021.
Trong năm, Vĩnh Phúc thu hút được 453 triệu USD vốn FDI, bằng 100,6% kế hoạch năm; Về thu hút vốn trong nước (DDI) toàn tỉnh dự kiến thu hút đạt 12.500 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.286 dự án, trong đó: 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125.000 tỷ đồng.
Tổng số lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc ước đạt 8,2 triệu lượt, tăng hơn 4 lần so với năm 2021. Năm 2022, Khu du lịch Tam Đảo trở thành Khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022.
Năm 2023, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-9,5% so với năm 2022. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn chiếm khoảng 30-35% GRDP theo giá hiện hành. Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 32.398 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 27.398 tỷ đồng. Thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.000 tỷ đồng vốn DDI./.
Theo VOV