Tín hiệu tích cực
Ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc- cho biết, năm 2017 là một năm thành công của tỉnh Vĩnh Phúc khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,68%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn cũng đạt 2,0 tỷ USD, tăng 13,55% so với năm 2016. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao so với năm trước là: Chè, tăng 18%; hàng dệt may, tăng 15%; đệm ghế ô tô, tăng 13,33%; hàng điện tử tăng 6,89%...
Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2017 tăng mạnh cả về số lượng và số vốn đăng ký. Cả tỉnh có 1.100 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 7,0 nghìn tỷ đồng, tăng 33% về số DN và 44% về số vốn đăng ký. Cũng trong năm này Vĩnh Phúc có thêm 15 hợp tác xã (HTX) thành lập mới, đưa số HTX trên toàn tỉnh lên tới 600 và hoạt động tương đối hiệu quả. Đây là những “tín hiệu” quan trọng, tạo tiền đề giúp Vĩnh Phúc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018.
Song bên cạnh những tín hiệu tích cực, ông Vũ Việt Văn cho rằng, Vĩnh Phúc cũng gặp phải những thách thức lớn trong năm 2018. Nguyên nhân do số lượng DN thành lập mới gia tăng, nhưng số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Cơ sở hạ tầng tại một số khu công nghiệp như Sông Lô, Lập Thạch chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, nên khó khăn trong vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là các dự án lớn. Trong khi đó, nhiều khu công nghiệp vướng mắc về giải phóng mặt bằng như khu công nghiệp Khai Quang, Bình Xuyên, Tam Dương II- khu A; Bá Thiện III.
Đặc biệt, công nghiệp ôtô được đánh giá là ngành mũi nhọn của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua tuy nhiên, năm 2018 sẽ bị tác động bởi chính sách cắt giảm thuế quan đối với nhập khẩu linh kiện và xe ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN, điều này sẽ tác động đến ngành sản xuất ôtô tại tỉnh Vĩnh Phúc, ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực này và các lĩnh vực liên quan.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018, ông Vũ Việt Văn - cho hay, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào một loạt các giải pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý thu chi ngân sách, khuyến khích phát triển khoa học- công nghệ, phòng chống tham nhũng, lãng phí… tất cả các giải pháp trên, nhằm đạt mục tiêu quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn cho khu vực DN.
Cụ thể, năm 2018 nhằm tháo gỡ khó khăn cho khu vực DN, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo nội dung đã đề ra tại Kế hoạch hành động số 1211/KH- UBND ngày 28/2/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ- CP ngày 6/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động, năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Cùng với đó, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN nhà nước, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo kế hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Vũ Việt Văn chia sẻ, DN chính là động lực cho tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho DN là yếu tố quan trọng để Vĩnh Phúc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển tại các DN, nhằm ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất. |
Nguồn Báo Công Thương