Đúng ngày cuối năm 2018, hệ thống bán lẻ của Vingroup đã ghi dấu ấn kỷ lục trong ngành bán lẻ Việt Nam và quốc tế khi đồng loạt trong cùng một ngày khai trương 117 cửa hàng tiện lợi tại cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Sự kiện nâng tổng số VinMart+ lên con số 1.700 cửa hàng, khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường bán lẻ.
Đạt quy mô, chờ hiệu quả
Các cửa hàng VinMart+ mới có diện tích từ 80 - 200m2, được bố trí nằm trên những con phố chính có mật độ dân cư cao tại các tỉnh thành trọng yếu trên toàn quốc như: Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ, Thanh Hóa, Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu...
Trong năm 2018, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce – đơn vị sở hữu hệ thống Vinmart và Vinmart+ liên tục mở rộng hệ thống, trong đó có nhờ phương thức mua lại các thương hiệu bán lẻ khác. Tháng 10, VinCommerce đã hoàn tất mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty cổ phần Nhất Nam. Đây là một trong những đơn vị bán lẻ đã có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường, sở hữu điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương. Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, hệ thống siêu thị Fivimart hiện đã đổi tên thành VinMart.
Có thể nói, dù đi sau nhưng VinMart+ đã nhanh chóng vượt qua những gã khổng lồ như Family Mart, Circle K, 7 Eleven… để khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam- “chiếc bánh” trước đó vốn được cho là cuộc giành giật của các nhà bán lẻ nước ngoài.
Tuy đạt được quy mô, một trong những tiền đề quan trọng để thành công trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng rõ ràng phía trước VinMart+ sẽ phải đối mặt với bài toán hiệu quả. Bởi ngay cả những lão làng trong lĩnh vực bán lẻ vẫn đang phải “đau đầu” tìm kiếm lợi nhuận tại thị trường Việt Nam. Lấy ví dụ, Family Mart- một đại gia trong ngành bán lẻ của Nhật Bản, từng tuyên bố sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2017, hãng này đã phải tính toán lại bước đi tại thị trường Việt Nam.
Ra ngõ gặp… đối thủ?
Với định hướng đưa mảng kinh doanh bán lẻ chiếm 50% doanh thu tập đoàn trong thời gian tới, Vingroup đã lên kế hoạch mở hơn 2.000 Vinmart+, phủ khắp cả nước. Thương hiệu này sẽ tiếp tục nâng lên 10.000 cửa hàng, 400 trung tâm thương mại trong 3 năm tiếp theo. Chiến lược bán lẻ mà Vingroup công bố là "lấy nông thôn bao vây thành thị". Vậy đối thủ trực tiếp của Vinmart và Vinmart+ trong tương lai là ai?
Trong bối cảnh các đại gia bán lẻ nước ngoài có dấu hiệu “chùn chân” thì một cái tên khá xa lạ trong lĩnh vực bán lẻ có thể sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Với việc tham gia cung cấp các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng (sản phẩm chăm sóc gia đình: bột giặt, nước giặt, nước xả, nước rửa bát…; chăm sóc thân thể: dầu gội, sữa tắm, lăn khử mùi… VNPost đang đặt mục tiêu khá tham vọng trong lĩnh vực này.
Hiện tại, VNPost có tới gần 13.000 điểm bưu điện, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,93 km/điểm đảm bảo mỗi xã có tối thiểu một điểm phục vụ, số dân phục vụ bình quân đạt hơn 7.100 người/điểm. Đội ngũ bưu tá và nhân viên đến 18.000 người. Nếu khai thác tốt hệ thống này và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin thì VNPost có thể sẽ nhanh chóng trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực phần phối. Mặt khác, Vinmart và Vinmart+ sẽ phải đối mặt với các phương thức kinh doanh mới đến từ Lazada, Shopee, Robins, Lotte…
Theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia). Với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm và quy mô có thể lên tới gần 180 tỷ USD vào năm 2020. Điều đó cũng đồng nghĩa với cuộc đua giành thị phần sẽ ngày càng khốc liệt.
Nguồn Enternews