Đây được coi là một bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển của ngành Viễn thông, cho thấy khả năng dần làm chủ công nghệ của doanh nghiệp trong sản xuất sợi thủy tinh quang, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Make in Vietnam” (Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam).
Nhà máy sợi thủy tinh dành cho thông tin quang được Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef) - thành viên của VNPT khởi công xây dựng từ giữa năm 2017 tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (tỉnh Bắc Ninh). Nhà máy có diện tích gần 5ha với công suất thiết kế 3,2 triệu kilômét sợi quang/năm, được trang bị thiết bị hiện đại, tự động hóa và công nghệ mới nhất do các đối tác đến từ Phần Lan, Nhật Bản, Mỹ cung cấp. Trong quá trình xây dựng, nhà máy Postef áp dụng mô hình sản xuất thông minh, xưởng thông minh và đạt mục tiêu nhà máy thông minh vào năm 2020. Đây là nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dành cho thông tin quang đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.
Về kế hoạch sản xuất trong thời gian tới, ông Trần Hải Vân - Tổng Giám đốc Postef cho biết, công ty bắt đầu tiếp cận công nghệ sản xuất phôi để từng bước làm chủ công nghệ cơ bản là tiền đề vững chắc cho việc mở rộng sản xuất sợi quang. Postef cũng tiếp tục nghiên cứu sản xuất các sản phẩm sợi quang có tốc độ truyền dẫn cao, bán kính uốn cong nhỏ, đáp ứng nhu cầu sản xuất cáp quang biển cũng như các giải pháp ứng dụng thông minh và các nhu cầu kết nối trong kỷ nguyên 4.0. Nhà máy sẽ xuất khẩu sợi quang sang một số thị trường mà VNPT đang đầu tư, kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Campuchia…
Tại lễ khánh thành nhà máy vào ngày 15-8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đánh giá: "Việc xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang của Công ty Postef thuộc Tập đoàn VNPT là một bước đi có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của tập đoàn và phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông về phát triển chính phủ điện tử, đô thị thông minh và truyền thông số. Đồng thời từng bước hiện thực hóa mục tiêu "Make in Vietnam", qua đó tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu, bảo đảm an toàn thông tin".
Có thể nói, cùng với sự phát triển của các công nghệ kết nối 5G, mạng quang vẫn là hạ tầng cốt lõi trọng yếu trong quá trình chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số, nền kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, trước khi VNPT khánh thành nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang, những sản phẩm này vẫn phải nhập từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản. Vì vậy, khi nhà máy này hoạt động đã giúp VNPT vừa làm chủ công nghệ cáp quang vừa tự sản xuất thay vì phải nhập khẩu...
Trong buổi làm việc với nhà máy cuối tháng 8 vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long khẳng định, với việc đầu tư sản xuất sợi thủy tinh quang, công ty đã đi đúng định hướng phát triển để trở thành một trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin. Cũng theo ông Phạm Đức Long, nhằm thực hiện mục tiêu “Make in Vietnam”, trong thời gian qua, nhiều đơn vị trong Tập đoàn VNPT đưa ra thị trường những sản phẩm, giải pháp do chính doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển thành công.
Cụ thể, Công ty Công nghệ VNPT (VNPT Technology) - đơn vị thành viên của Tập đoàn VNPT đã giới thiệu những giải pháp, sản phẩm “Make in Vietnam”, trong đó phải kể đến thiết bị mạng Easy Mesh Access Point - iGate EW12S trang bị công nghệ kết nối wifi có thể chạy đồng thời trên 2 băng tần 2.4GHz và 5GHz, giúp bảo đảm khoảng cách kết nối, tránh tình trạng xung đột và nhiễu sóng, mang lại kết nối ổn định với tốc độ tối đa. Đây là thiết bị mạng đầu tiên được thiết kế, phát triển và sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam.
Hiện, VNPT đang tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tham gia vào hệ sinh thái 5G... Những nỗ lực trên cho thấy VNPT đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược “Make in Vietnam”, nghiên cứu, làm chủ công nghệ, góp phần phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam.
Theo Hà Nội Mới