Lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á trong việc tạo đà xây dựng và phát triển mạng 5G chính là tỷ lệ kết nối internet lên đến 60% dân số, tỷ lệ sử dụng thiết bị thông minh kết nối Internet cao so với mức trung bình của thế giới.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách sớm để thúc đẩy phát triển 5G như ngay từ đầu 2019, Bộ TT&TT đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP HCM. Việt Nam cũng đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IOT, thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát... tiến tới mục tiêu thương mại hóa vào năm 2020. Chủ trương đặt ra là khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam cũng sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G.
Tuy nhiên, so với thế giới như Trung Quốc, Mỹ, xuất phát điểm của Việt Nam vẫn chậm hơn, đặc biệt còn tồn tại nhiều khó khăn cho khối doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp viễn thông. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận, trước một công nghệ mới như 5G, giai đoạn đầu bao giờ cũng tồn tại nhiều khó khăn.
Khó khăn trước hết là với các nhà cung cấp dịch vụ, vì nếu tính đơn thuần về lợi nhuận, ít doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận trực tiếp khi đi đầu. Khó khăn tiếp theo là với những người sử dụng đầu tiên.
Tuy nhiên, 5G cộng với các công nghệ khác không chỉ giúp từng cá nhân tiếp cận thông tin nhanh hơn, phục vụ sống và giải trí mà còn giúp sáng tạo tốt hơn, có cơ hội là trung tâm của sự phát triển bền vững. Các đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới sẽ nắm bắt được cơ hội lớn thời gian đầu cũng không hề đơn giản.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương, trước hết Việt Nam cần xác định được chính sách xây dựng 5G thông suốt, bởi khi triển khai 5G, thách thức lớn Việt Nam phải đối mặt đó là toàn bộ hệ sinh thái di động phải phối hợp hiệu quả với nhau.
Từ chính sách của chính phủ cho tới các nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị phải làm việc hiệu quả để triển khai 5G được đồng bộ về chiến lược.
Cùng đó, băng tần phải sẵn sàng, các nhà mạng phải có chiến lược thiết kế mạng lưới 5G phù hợp với mô hình kinh doanh, các nhà sản xuất thiết bị phải cung cấp được thiết bị phù hợp cho người dùng.
“Nhà mạng phải có mô hình kinh doanh mới cho 5G vì công nghệ này không chỉ đáp ứng để kết nối smartphone mà là kết nối vạn vật, kết nối với máy, với hàng tỷ thiết bị như các ứng dụng thực tại ảo, ứng dụng trong y tế thực hiện ca mổ trực tiếp từ xa, dùng cho xe ô tô tự lái yêu cầu độ trễ thấp... Đó mới là mô hình kinh doanh các nhà mạng cần hướng tới”, ông Thiều Phương Nam nói.
Một thực trạng khác đó là hạ tầng CNTT đang triển khai trong các doanh nghiệp cơ bản vẫn là công nghệ cũ, để có thể sẵn sàng cho công nghệ 5G, các doanh nghiệp phải thay đổi, hiện đại hóa hạ tầng CNTT.
Hiện nay, hai nhà mạng VNPT và Viettel là hai doanh nghiệp đã sẵn sàng cho thử nghiệm 5G ở Việt Nam. Trong đó, VNPT đã hợp tác với tập đoàn Nokia (Phần Lan) để thiết lập phòng nghiên cứu, phát triển mạng 5G và IoT vào tháng 10/2018. Dự án này dự kiến được thực hiện trong vòng ba năm với tổng giá trị khoảng 15 triệu đô la Mỹ.
Còn Viettel đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ hoàn thành việc chế tạo thử trạm phát sóng 5G phiên bản 1, thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và triển khai thương mại vào năm 2021.
Các doanh nghiệp khác trong nước hiện cũng đang tích cực nghiên cứu, phát triển, hướng tới việc chủ động sản xuất các thiết bị viễn thông/thiết bị thông minh, bao gồm thiết bị phát sóng 4G/5G, không hoàn toàn bị lệ thuộc vào nhà cung cấp thiết bị viễn thông nước ngoài.
Theo Viettel, một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đang dự kiến sẽ triển khai 5G vào năm 2019 hoặc 2020. Nếu thử nghiệm trong năm 2019, Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu về triển khai 5G.
Theo báo cáo thương mại về tiềm năng 5G của Ericsson, các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam có thể mang về doanh thu 3,17 tỉ USD khi triển khai và sử dụng công nghệ 5G. Sắp tới, 5G sẽ được ứng dụng vào quá trình số hóa ngành công nghiệp, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Các ngành công nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ 5G chính là những ngành có thể tận dụng tốc độ cao, độ trễ thấp, độ tin cậy cực cao của 5G nhằm tăng hiệu quả, cải thiện về chất lượng và sự an toàn, tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo. Ericsson cũng cho rằng Việt Nam có thể triển khai 5G vào năm 2021.
Theo Enternews