Các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ động đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ trọng vốn đầu tư từ các nguồn vốn ngoài nhà nước tăng từ 38,37% năm 2006 lên gần 70% năm 2015. Gia Lai là địa phương có tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách tăng nhanh nhất, đạt 54,19%.
Các tỉnh Tây Nguyên chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tổng số vốn cho phát triển giao thông từ năm 2001 trở lại đây đạt khoảng 64.000 tỷ đồng. Nhiều công trình trọng yếu được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, như: đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, quốc lộ 14, 19, 20, 28…; các cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Plây Cu... đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa, làm thay đổi bộ mặt cả vùng.
Đến nay, mạng lưới giao thông vùng Tây Nguyên có tổng chiều dài gần 40.000 km, với tỷ lệ cứng hóa đạt 47,72%; trong đó, quốc lộ dài 2.517 km, tỷ lệ cứng hóa đạt 88,28%, đường tỉnh dài 1.948 km, cứng hóa đạt 85,3%, đường giao thông nông thôn có độ dài 35.347 km, cứng hóa đạt 42,76%... Toàn bộ các xã có đường xe ô-tô đi lại…
Tây Nguyên cũng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ yêu cầu thâm canh các loại cây trồng, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Năm 2016, giá trị tổng sản phẩm của các tỉnh Tây Nguyên đạt hơn 151.039 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,56 triệu đồng/năm. |
Nguồn Báo Nhân dân