Làm chủ công nghệ
Theo Vụ KHCN các ngành Kinh tế - kỹ thuật, vùng ĐBSH có lịch sử phát triển công nghiệp và đô thị sớm nhất nước ta. Trong những năm qua, các kết quả nghiên cứu KHCN đã chú trọng giải quyết các yêu cầu của sản xuất, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu thay thế nhập ngoại, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất.
Điển hình, trong ngành Cơ khí chế tạo với nhiều sản phẩm KHCN nổi bật như nghiên cứu thành công giàn khoan tự nâng với tổng trọng lượng trên 12.000 tấn hoạt động ở độ sâu đến 90m nước đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện công suất 600MW; dây chuyền thiết bị sản xuất xi măng lò quay công suất từ 1 đến 2 triệu tấn xi măng/năm; hệ thống băng tải vận chuyển đất đá dài đến 5km; máy CNC sản xuất cốt thép của ống bê tông kích thước lớn…
Hay trong ngành Khoáng sản - luyện kim, đã sản xuất được các sản phẩm thép tấm cán nóng, thép xây dựng đạt tiêu chuẩn cao; các sản phẩm thượng nguồn như phôi thép, gang... Bên cạnh đó, đã làm chủ công nghệ khai thác than sử dụng giàn chống tự hành phù hợp đối với điều kiện địa chất các vỉa có độ dốc lớn tại vùng Quảng Ninh; công nghệ thiết kế và chế tạo hệ thống giám sát khí mê-tan phục vụ an toàn lao động trong khai thác than hầm lò…
Trong công nghiệp tiêu dùng, đã tạo ra được vải có tính kháng khuẩn cao, chống tia UV bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; vải dệt kim từ nguyên liệu xơ tre, xơ gai, xơ visco modal; phát triển các sản phẩm thương mại từ da đà điểu nuôi tại Việt Nam… giúp chủ động nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm dệt may, da giầy của Việt Nam.
Ưu tiên công nghệ cao
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH đến năm 2020, đã đề ra mục tiêu trong lĩnh vực công nghiệp: Ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn, ít thâm dụng lao động; sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Theo đó, định hướng hoạt động KHCN của vùng ĐBSH là đẩy mạnh triển khai chủ trương lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm cho việc đổi mới, chuyển giao công nghệ; tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác ba bên giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nhập khẩu, giải mã công nghệ, chuyển giao công nghệ; phối hợp khai thác và sử dụng Quỹ phát triển KHCN các DN để đầu tư phát triển tiềm lực KHCN…
Đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KHCN) cho biết, hiện nay trong 280 nhu cầu về chuyển giao công nghệ của cả nước, vùng ĐBSH chiếm gần 20%, tập trung chủ yếu vào các công nghệ như cơ khí chế tạo, tự động hóa, năng lượng, công nghệ xử lý môi trường, công nghệ sinh học… Muốn thúc đẩy tốc độ đổi mới công nghệ ở các DN trong vùng, cần có “cú huých” của nhà nước như hỗ trợ vốn, cho vay lãi suất ưu đãi, hình thành các đội ngũ tư vấn công nghệ chuyên nghiệp…; đồng hành với DN để cùng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH đến năm 2020 đề ra mục tiêu cụ thể: Nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong công nghiệp chế biến lên 60%; phấn đấu tỷ lệ nội địa các sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 50%; ưu tiên phát triển theo chiều sâu công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo máy, sản xuất thép chất lượng cao, thép chuyên dụng... |
Nguồn Báo Công Thương điện tử