Thứ Hai, 09/12/2024 04:06:25 GMT+7
Lượt xem: 315

Tin đăng lúc 16-06-2024

Vườn ươm công nghệ: Động lực phát triển truyền thông chính sách

Các vườn ươm và doanh nghiệp công nghệ là nhóm tạo ra sản phẩm, thiết kế nền tảng theo nhu cầu độc giả, tương tác và giữ chân người dân, doanh nghiệp, tham gia tiếp nhận thông điệp cũng như trực tiếp sáng tạo thông điệp.
Vườn ươm công nghệ: Động lực phát triển truyền thông chính sách

Vườn ươm công nghệ tăng cường nghiên cứu và phát triển, phát huy đổi mới sáng tạo

 

Trong bối cảnh các cơ quan hoạch định và truyền thông chính sách ở Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến công nghệ truyền thông tương lai và không có bộ phận nghiên cứu - phát triển (R&D) mạnh mẽ, vai trò của các vườn ươm công nghệ trở nên vô cùng quan trọng. Những tổ chức này không chỉ ươm tạo doanh nghiệp công nghệ mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích phát triển hệ sinh thái quản lý có tư duy sản phẩm (product thinking), từ đó tạo ra sản phẩm truyền thông chính sách tiên tiến, hiệu quả.

 

Các vườn ươm và doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra sản phẩm, thiết kế nền tảng theo nhu cầu độc giả, tương tác với người dân và doanh nghiệp. Họ giữ chân và thúc đẩy người dân doanh nghiệp tham gia tiếp nhận, sáng tạo các thông điệp truyền thông chính sách.

 

Theo bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các vườn ươm công nghệ đủ điều kiện lập bộ phận R&D mạnh mẽ, quy tụ nhiều tài năng công nghệ để nghiên cứu xu hướng phát triển của báo chí và công nghệ truyền thông chính sách, đồng thời tạo ra sản phẩm dẫn dắt, định hướng. Các vườn ươm như V-startup đã và đang tạo ra sản phẩm truyền thông nổi bật như công nghệ chuyển đổi giọng nói và văn bản, trường quay MC ảo, trợ lý ảo… Họ liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để phát triển thêm nhiều sản phẩm hỗ trợ quá trình truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng.

 

Chuyển đổi số trong truyền thông chính sách

 

Bà Nguyễn Thy Nga cho biết, các cơ quan hoạch định và truyền thông chính sách cần thay đổi tư duy và coi các ấn phẩm, website, bản tin qua email hay ứng dụng mobile đều là những sản phẩm. Người dùng luôn đứng trước quyết định sử dụng sản phẩm nào và họ có nhiều lựa chọn để tiếp nhận và góp ý chính sách. Do đó, quy trình quản trị chính sách cần thay đổi để thông điệp truyền thông có thể chạm tới người dân và doanh nghiệp, bắt kịp môi trường đời sống thực tiễn.

 

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao giúp phát triển cổng thông tin, website, app, thiết kế nhận diện đồng bộ, đăng tải cơ sở dữ liệu tổng hợp theo hệ thống chủ đề, thời gian ban hành và lưu trữ. Hệ thống này sẽ tổng hợp chính sách từ trung ương đến địa phương, tham gia tích hợp dữ liệu để phát triển thông điệp truyền thông theo vùng miền. Hệ thống nhận diện thương hiệu theo từng lĩnh vực chính sách sẽ giúp tổ chức các hoạt động truyền thông tùy từng nhóm đối tượng.

 

Việc kết nối tự động đầu mối thông tin giữa các đơn vị ban hành và thực thi chính sách, hỗ trợ giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai, hợp tác với đơn vị tư vấn và tổ chức trung gian sẽ tăng cường công tác dự báo, đánh giá, giám sát và phản biện chính sách. Các hệ thống nghiên cứu, báo cáo tổng hợp, góp ý kiến nghị chính sách cũng sẽ được đăng tải.

 

Để phát triển hệ sinh thái số trong truyền thông chính sách cần đặt doanh nghiệp là trung tâm đổi mới và chuyển đổi số truyền thông chính sách. Nhà nước cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực có tư duy quản trị hệ thống và ứng dụng số hóa trong truyền thông chính sách. Đồng thời, các cơ quan cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động truyền thông chính sách và phát triển công nghệ nền tảng để lưu trữ, khai thác và phổ biến dữ liệu.

 

Theo Vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang