Thứ Sáu, 22/11/2024 00:19:56 GMT+7
Lượt xem: 1092

Tin đăng lúc 09-01-2022

Vượt qua thách thức, 19 tập đoàn, tổng công ty khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế

Qua một năm bị tác động bởi dịch bệnh và nhiều biến động của thị trường, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn đạt 99% kế hoạch doanh thu, vượt 70% kế hoạch về lợi nhuận trước thuế và vượt 27% kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.
Vượt qua thách thức, 19 tập đoàn, tổng công ty khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Minh ngọc

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh nhận định đây là một thành công đáng ghi nhận của Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc.

 

“Kết quả đạt được xuất phát từ nỗ lực, quyết tâm cao độ, tận dụng mọi thời cơ của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty, nhằm duy trì liên tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thể hiện rõ vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường và dịch bệnh”, ông Hoàng Anh chia sẻ.

 

Song song với thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của cả nước, Ủy ban ngày càng thực hiện chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty được giao quản lý.

 

Trong đó, một số công việc được thực hiện tốt hơn trước, như: Giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm nhanh hơn; công tác quy hoạch cán bộ được làm thống nhất, bài bản hơn; công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư thường xuyên, chặt chẽ hơn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; sâu sát, kịp thời hơn trong nắm bắt, phát hiện những tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp để chỉ đạo khắc phục hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp xử lý phù hợp; Một số dự án đầu tư trọng điểm được tháo gỡ khó khăn vướng mắc đi vào triển khai thực hiện.

 

Thêm một điểm sáng nữa trong hoạt động của Ủy ban là nhiều dự án đầu tư trọng điểm đã được chính thức khởi công, và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của cả nước, như: Giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I.

 

Đáng chú ý, việc xử lý có kết quả dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả tồn tại kéo dài từ nhiều năm trước đã giúp một số dự án “hồi sinh”. Đơn cử như Dự án Nhiệt điện 2 Thái Bình, sau một thời gian dừng, giãn tiến độ thi công, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban và các Bộ, ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và khởi công trở lại, cơ bản bù được nhiều mốc tiến độ quan trọng, phấn đấu hòa lưới điện tổ máy 1 vào ngày 30/4/2022 và đưa toàn bộ Nhà máy vào hoạt động sớm nhất bảo đảm an toàn chất lượng.

 

Đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, sau nhiều năm chưa hoàn thành xử lý được các tồn tại, yếu kém, đến nay, Bộ Chính trị đã đồng ý với giải pháp xử lý cụ thể, phù hợp đối với 5 dự án, doanh nghiệp để giao các tập đoàn, tổng công ty chủ động thực hiện. Đồng thời, Uỷ ban tiếp tục đề ra định hướng xử lý đối với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại. Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục sớm xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiếu tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch Uỷ ban Nguyễn Hoàng Anh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trong năm 2021, như: Trong việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước được thực hiện đầy đủ nhưng còn chưa bảo đảm thời hạn theo quy định; cần phát huy hơn nữa vai trò trong điều hành, định hướng các doanh nghiệp xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, đổi mới sáng tạo, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh...

 

Năm 2022: Phấn đấu tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn năm 2021

 

Với mục tiêu tiếp tục khẳng định vai trò là các DNNN then chốt trong việc góp phần bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2022, lãnh đạo Ủy ban cho rằng cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ.

 

Theo đó, một là, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, nhất quán Nghị quyết 128/NQ-CP, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Bảo vệ an toàn nhất sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động của Ủy ban và các doanh nghiệp. Chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp, không để bị động, bất ngờ trước diễn biến của dịch, bảo đảm duy trì hoạt động liên tục, ổn định của Ủy ban, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong mọi tình huống.

 

Trên cơ sở đó, các tập đoàn, tổng công ty phát huy cao nhất vị trí, vai trò nòng cốt, phấn đấu đạt mức độ tăng trưởng tổng hợp năm 2022 cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn năm 2021; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2022.

 

Hai là, Ủy ban và các đơn vị trực thuộc phải thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các công việc thuộc nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trong đó, cần lưu ý giải quyết nhanh nhất có thể những đề nghị của doanh nghiệp, để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tận dụng được mọi cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư.

 

Ba là, các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện: Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2021- 2025; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và Hoạt động phù hợp các quy định pháp luật mới ban hành; Đề án Tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty.

 

Đặc biệt, nhiệm vụ xử lý quyết liệt đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương theo Kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Ủy ban sẽ rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ khác để có biện pháp khắc phục kịp thời.

 

Theo báo Chính phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang