Tính đến ngày 15/7, Mỹ vẫn giữ vị trí hàng đầu trong các thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 21,6 tỷ USD, chiếm 19% tổng giá trị XK. Dù vậy, Việt Nam vẫn còn rất nhiều ngành hàng, doanh nghiệp (DN) chưa thể tiếp cận thị trường này.
Quy định ngày càng khắt khe
Là DN XK hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Mỹ, bà Đỗ Thị Hải Yến, đại diện công ty cổ phần XNK Thủ công Mỹ nghệ (Artexport), cho biết điều kiện XK ngày càng khó khăn. Sản phẩm truyền thống, mẫu mã đơn điệu sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu của người Mỹ.
Vì vậy, thời gian gần đây, công ty thường xuyên phải cử nhân viên sang Mỹ khảo sát thị trường để tìm hiểu xu hướng tiêu dùng, từ đó phát triển sản phẩm của mình.
"Mỗi khi có đơn hàng, DN phải rất cẩn trọng trong khâu chọn lựa nguyên liệu, gia công đến thiết kế", bà Yến chia sẻ.
Không chỉ xu hướng tiêu dùng liên tục thay đổi mà thủ tục của Mỹ cũng ngày càng khắt khe, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, bày tỏ lo ngại khi ngành cá tra đang phải đối mặt với việc bị áp thuế chống bán phá giá lên đến 7,7 USD/kg, chưa kể phải thực thi theo Đạo luật Nông trại (Farm Bill). Năm 2017, XK cá tra sang Mỹ giảm 11% so với năm 2016, với tình hình trên, dự báo năm 2018 sẽ giảm tiếp.
"Điều DN lo ngại nhất hiện nay là không biết đợt xem xét hành chính lần thứ 14 mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra sẽ nâng mức thuế lên bao nhiêu. Chưa kể, nếu thị trường Mỹ gây khó khăn cho cá tra, thị trường khác sẽ lợi dụng để áp đặt rào cản", ông Quốc chia sẻ.
Khẳng định Mỹ là thị trường "khổng lồ" với nhiều cơ hội, nhưng ông Đào Trần Nhân, nguyên Tham tán công sứ – Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho rằng lo ngại nhất là hệ thống pháp luật thương mại của nước này ngày càng phức tạp.
Chẳng hạn như Mỹ nhập khẩu tới 99,9% mặt hàng giày dép do chỉ có một công ty sản xuất với quy mô rất nhỏ, nhưng chính quyền vẫn quyết tâm bảo hộ ngành sản xuất giày dép trong nước bằng cách đánh thuế cao vào hàng nhập khẩu của các nước với thuế suất 20%, 40% hoặc 60,5%.
Đối với hàng thực phẩm và đồ uống, rào cản còn lớn hơn rất nhiều, DN Việt chắc chắn phải vượt qua hàng rào kỹ thuật và an toàn thực phẩm là Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) với các quy định rất khắt khe.
Mục tiêu của Luật này là giám sát dự phòng, tức là đặt gánh nặng về chất lượng an toàn thực phẩm lên vai nhà nhập khẩu và nhà sản xuất. Vi phạm không chỉ bị phạt, mà phía Mỹ còn yêu cầu thu hồi toàn bộ sản phẩm; nếu rơi vào tình cảnh này, DN chỉ có nước phá sản do chi phí thu hồi rất lớn.
Đáng chú ý, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết đã phổ biến Luật FSMA từ năm 2011 nhưng nhiều DN Việt Nam đến nay không biết tới luật này. Cùng với đó, Mỹ vẫn xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường khiến hàng hóa Việt Nam thường xuyên bị kiện chống bán giá giá, chống trợ cấp.
Lợi nhuận thấp vì xuất thô
Trong khi đó, năng lực DN XK của Việt Nam còn yếu, hàng hóa chủ yếu xuất dưới dạng thô nên giá trị gia tăng thấp. Ông Nhân cho biết một đôi giày thể thao của Việt Nam chỉ bán được 10 USD nhưng sau khi công ty của Mỹ nhập về, giá bán lên 100 USD.
Vấn đề này cũng được ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), chia sẻ: "Chúng ta XK hạt tiêu cho nhà phân phối của Mỹ. Họ đem về rang xay, đóng gói và bán dưới thương hiệu của họ, giá trị tăng gấp nhiều lần. Như vậy, phần giá trị gia tăng, đối tác nước ngoài hưởng. Vì thế, phải làm sao để tăng hàm lượng chế biến trong sản phẩm, qua đó gia tăng lợi nhuận cho DN Việt Nam.
Để XK vào thị trường Mỹ, ông Đào Trần Nhân cho rằng trước hết DN Việt phải chuẩn bị sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh. Các DN bán lẻ, nhà phân phối lớn của Mỹ có sứ mệnh đi khắp nơi trên thế giới tìm mặt hàng ngon, bổ, rẻ đem về nước. Nếu được họ chọn, DN Việt cần phải có đủ năng lực sản xuất mới đáp ứng được.
Cùng với đó, DN phải chuẩn bị giấy tờ, thủ tục liên quan để có thể xâm nhập vào thị trường Mỹ. Hàng thực phẩm bắt buộc phải thực hiện theo Luật FSMA, đáp ứng quy định về nhãn mác, thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì…
Hiện nay, một ngày có khoảng 1.000 công ty trên thế giới "xếp hàng" hy vọng đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị Walmart, nên khả năng DN Việt tiếp cận kênh siêu thị của Mỹ là rất khó. Thay vào đó, DN nên thông qua mạng lưới bà con Việt kiều, tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành để đưa hàng Việt vào thị trường Mỹ.
Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội), thương mại luôn luôn không công bằng, vì thế cách duy nhất DN cần học hỏi là theo đuổi các nguyên tắc mà phía Mỹ đưa ra. Chẳng hạn như hiện nay, Mỹ đang thực hiện chương trình giám sát các sản phẩm thủy sản, nếu DN nắm rõ những yêu cầu, quy định của chương trình này thì có thể dễ dàng vượt qua.
Trước cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ông Đào Trần Nhân lưu ý sẽ có dòng hàng hóa Trung Quốc, Mỹ vào Việt Nam. Để XK bền vững, Việt Nam phải có hướng chuyển dịch nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Trong rủi có may, DN nào biết biến rủi thành may, biến thách thức thành cơ hội thì sẽ vượt lên.
Đồng thời, cần lưu ý do nước Mỹ tiêu thụ hàng hóa lớn nhất, Trung Quốc là công xưởng của thế giới, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Thị trường tiêu dùng toàn cầu suy giảm, việc XK hàng sang thị trường khác cũng sẽ gặp khó khăn, DN phải có kịch bản đối phó tình huống này.
Ông Đào Trần Nhân - Nguyên Tham tán công sứ – Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Bí quyết kinh doanh theo triết lý của người Mỹ mà các DN cần phải hiểu nếu muốn XK hàng hóa sang thị trường này là biết tận dụng, áp dụng những lợi ích do công nghệ thông tin và internet mang lại vào công việc kinh doanh của mình. Cùng với đó, giá bán luôn luôn thấp và DN phải biết chia sẻ quyền lợi cho đối tác, khách hàng của mình. Đồng thời, khi có thời cơ đến, DN phải nắm thời cơ và kéo dài thời cơ đó. Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội Nếu hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt, DN biết cách đa dạng thị trường, Mỹ mới là phía phải lo ngại. Nếu chúng tôi cứ đưa ra nhiều rào cản, chính các bạn mới là người rời bỏ thị trường Mỹ. Bà Đỗ Thị Hải Yến - Đại diện công ty Artexport Các DN XK mong có sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước thông qua việc nắm bắt nhiều hơn thông tin về thị trường, thay đổi chính sách quản lý thuế, hải quan, chất lượng sản phẩm hay quy định về dây chuyền sản xuất của Mỹ, sau đó thông báo để DN có sự chuẩn bị, thay đổi để đáp ứng tốt các quy định trên. |
Theo Thời báo Kinh doanh