- Ông đánh giá thế nào về đợt dịch thứ 4 đang diễn ra ở Việt Nam?
- Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Dịch đang lây lan nhanh chóng và diễn biến phức tạp. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đợt dịch này, bao gồm nhiều trường hợp có lịch trình di chuyển phức tạp hoặc từng tham gia các hoạt động xã hội trong kỳ nghỉ lễ, gây khó khăn cho việc truy vết. Nguồn lây nhiễm ở một số ổ dịch vẫn chưa rõ ràng, cùng với đó là sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại. Những tuần tiếp theo là giai đoạn quan trọng trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
- Đợt bùng phát này có gì khác so với những đợt trước?
- Đợt này lây lan ở nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian ngắn hơn so với các đợt trước. Sau khi ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên được báo cáo vào ngày 27/4, đến ngày 9/5, 26 tỉnh thành đã ghi nhận ca bệnh. Dự kiến sẽ có thêm nhiều ca bệnh vào những ngày tới, vì công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng và xét nghiệm đang diễn ra quyết liệt ở nhiều điểm trên khắp các tỉnh và các cơ sở bị ảnh hưởng.
Chúng ta cũng phát hiện hai biến thể đáng lo ngại (VOC) là B.1.1.7 và B.1.617.2 trong các ca nhiễm mới.
Tuy nhiên, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng các biện pháp y tế công cộng và xã hội cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân như vệ sinh tay, giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang vẫn là các biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của tất cả các biến thể đáng lo ngại.
- Ông dự đoán như thế nào về diễn biến dịch tới đây?
- Với công tác truy vết và xét nghiệm khẩn trương, nhiều tỉnh, thành phố có thể phát hiện các ca nhiễm mới. Khả năng cao sẽ ghi nhận thêm ca nhiễm trong cộng đồng hoặc bệnh viện vào những ngày tới do lượt người đi du lịch và tụ họp trong kỳ nghỉ lễ.
Ngoài ra, do một số trường hợp không xác định được mối liên hệ dịch tễ, không thể bỏ qua khả năng virus đã lây truyền âm thầm. Để tìm ra nguồn lây và ngăn chặn chuỗi lây lan, cần tiến hành điều tra dịch tễ kỹ lưỡng và giám sát chặt chẽ.
Trong bối cảnh dịch bệnh leo thang tại các nước trong khu vực, bao gồm Campuchia, Lào và Thái Lan, dự kiến sẽ có thêm các ca nhập cảnh, kể cả khi biên giới được tăng cường kiểm soát. Điều này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là từ những người nhập cảnh trái phép và không được phát hiện.
- Ông đánh giá gì về chiến lược chống Covid-19 lúc này tại Việt Nam?
- Chúng tôi rất tin tưởng vào các biện pháp ứng phó hiện tại của Chính phủ.
Ngay sau khi nhận được thông báo về ca bệnh tại Hà Nam và Vĩnh Phúc, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và các cơ quan y tế địa phương đã hành động quyết liệt. Các biện pháp y tế công cộng toàn diện đã được triển khai và điều chỉnh hàng ngày theo diễn biến của dịch.
Việt Nam đã tăng cường các biện pháp ứng phó được chứng minh là có hiệu quả trong các đợt dịch trước.
WHO tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế trong các lĩnh vực kỹ thuật, tư vấn và cung cấp các bằng chứng khoa học mới, đặc biệt là những thông tin liên quan đến các biến thể đáng lo ngại; giám sát và đánh giá nguy cơ, hỗ trợ việc triển khai và phân phối vaccine Covid-19, truyền thông hiệu quả.
- Hoạt động cung cấp vaccine của Covax cho Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?
- Cơ chế Covax cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 40 triệu liều vaccine Covid-19, đủ cho hơn 19 triệu người thuộc nhóm ưu tiên. Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi đang nỗ lực để đưa vaccine đến Việt Nam sớm nhất có thể. Nếu không có trở ngại nào về mặt hậu cần, lô hàng tiếp theo với 1.682.400 liều dự kiến sẽ đến Việt Nam vào ngày 16/5/2021.
Về tác dụng phụ sau tiêm vaccine, Bộ Y tế có hệ thống giám sát và kế hoạch ứng phó dựa trên hướng dẫn của WHO. Báo cáo về ca tử vong (ở An Giang) cho thấy hệ thống đang hoạt động.
Sau khi điều tra, đa phần những sự việc như vậy không phải do vaccine gây ra. Ví dụ, đó có thể chỉ là sự trùng hợp. Tuy nhiên, trường hợp này cần được điều tra làm rõ nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Việt Nam cần tiếp tục triển khai tiêm chủng ở mức độ an toàn cao nhất bằng cách đảm bảo các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực.
Theo VNE