Thứ Sáu, 22/11/2024 08:53:52 GMT+7
Lượt xem: 3612

Tin đăng lúc 01-11-2016

Xã Dũng Phong: Bức tranh nông thôn mới đầy khởi sắc

Nằm ở vị trí trung tâm của 5 xã vùng cao phía Nam của huyện miền núi Cao Phong, xã Cao Phong có khoảng 900 hộ với gần 3.800 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 90%. Đây là xã đầu tiên của huyện Cao Phong cán đích xây dựng Nông thôn mới (NTM) của tỉnh Hòa Bình.
Xã Dũng Phong:  Bức tranh nông thôn mới đầy khởi sắc
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao bằng khen cho xã về đích xây dựng Nông thôn mới năm 2015

Đến Dũng Phong, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự thay đổi đến ngỡ ngàng, đường làng ngõ xóm, các công trình công cộng được xây dựng khang trang; các mô hình sản xuất đang mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân nơi đây có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để làm tốt công tác xây dựng NTM, Đảng bộ và chính quyền xã Dũng Phong đã chú trọng việc tuyên truyền, vận động, từ đó tạo ý thức và sự đồng thuận cao trong nhân dân với vai trò là chủ thể trong phong trào xây dựng NTM.

 

Giai đoạn 2011 – 2015, xã đã vận động nhân dân đóng góp hàng ngàn công lao động và hiến tặng đất tương ứng với 8,6 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Dũng Phong được ngân sách nhà nước hỗ trợ 26,7 tỷ đồng, trong đó đã đầu tư xây dựng và sửa chữa 13 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông liên xã, công trình thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, trường học…

 

Công tác phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân được chính quyền xã Dũng Phong đặc biệt quan tâm, theo đó đã cụ thể hóa để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, chủ yếu tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất các cây có thế mạnh như mía, cam, chăn nuôi gia súc gia cầm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao… Những năm qua, UBND xã Dũng Phong luôn coi trọng công tác phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề kinh doanh, buôn bán, vận chuyển và các nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm, làm nấm rơm… nhờ vậy thu nhập của người dân nâng lên rõ rệt, nếu năm 2011, thu nhập bình quân tính theo đầu người của xã mới đạt 16,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 13,5% thì đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân tính theo đầu người đã đạt 27,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm xuống còn dưới 11,5%; hơn 600 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa.  Hiện nay, toàn xã có trên 23% lao động được đào tạo nghề so với số lao động hiện có, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương…

 

Đến nay, hệ thống hạ tầng khu trung tâm xã, hệ thống giao thông liên xã, liên xóm cũng như mạng lưới trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, sân vận động, chợ trung tâm và các công trình phúc lợi xã hội khác trên địa bàn xã đều đã được nâng cấp, xây dựng thuận tiện, cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân. Công tác phát triển đời sống văn hóa tinh thần của bà con cũng được quan tâm thường xuyên thông qua việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; các nét văn hóa truyền thống độc đáo, các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mường tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Đồng thời, Dũng Phong cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung nguồn lực, huy động sức dân, nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí giao thông nông thôn, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa xã hội…

 

Năm 2016, năm đầu tiên kể từ khi Dũng Phong được công nhận đạt chuẩn NTM, diện mạo nông thôn mới của địa phương đã có những đổi thay theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp 9 tháng đầu năm đạt diện tích gieo trồng 538,8 hecta, cùng hàng chục ngàn con trâu, bò, lợn và gia cầm, với tổng thu đạt gần 1,9 tỷ đồng. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Dũng Phong tiếp tục phát huy sức mạnh đồng thuận trong các tầng lớp dân cư, gắn với nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM; từng bước nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - văn hóa, xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang