Thế nhưng, đó là nông dân ở gần trung tâm huyện Lục Ngạn, còn với xã Phú Nhuận thì dù nhà có hàng trăm cây vải cũng chẳng thoát được cái nghèo. Từ bao đời nay cái nghèo như dây leo quấn lấy bà con nơi đây khiến họ không thoát ra được.
Phú Nhuận là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Bắc Giang. Dân số tự nhiên là 4.450 nhân khẩu trên 1.017 hộ dân. Có 8 dân tộc anh em sinh sống trên 18 thôn xóm. Thôn xa nhất cách trung tâm xã đến hơn 10 km, cách thị trấn Chũ (trung tâm huyện) đến 30 km và cách thành phố Bắc Giang 80 km. Bà con nơi đây sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ các cây ăn quả như: vải, hồng… Cứ vào mùa vải, bà con trong xã hối hả thu hoạch với giá vải đúng vụ khoảng 35 – 50 nghìn đồng/kg, nhưng ở Phú Nhuận, vải dù đẹp đến mấy cũng chỉ bán được bằng một nửa, thậm chí một phần ba so với giá vải ở nơi khác. Có lúc đành phải bán chạy vì nếu không vải rụng xuống thâm thối thì mất công chăm sóc của cả nhà trong suốt một năm trời.
Có lẽ, nói không ngoa rằng, đi khắp đất nước Việt Nam chưa có xã nào đường giao thông lại “hoang sơ” như “cái thưở ban đầu” giống xã Phú Nhuận. Nước ta đang trên đường đổi mới và hội nhập, xây dựng nông thôn mới. Nhiều miền quê đã được bê tông hóa, đường nhựa hóa từ rất lâu, khi xuống cấp là làm lại đến dăm ba lần. Nhiều miền quê còn đổ bê tông ra tận ngoài đồng ruộng để dễ vận chuyển trong ngày mùa vụ. Máy gặt, máy tuốt xuống ruộng gặt hái dễ dàng, vừa nhanh chóng vừa tiết kiệm được sức người, sức của. Nhưng riêng xã Phú Nhuận thì tuyệt nhiên từ làng trên đến xóm dưới không có nổi một mét đường nhựa hay bê tông. Thi thoảng chỉ thấy những con đường được sỏi hóa sau các chiến dịch làm đường của bà con địa phương trước khi vào vụ. Sau một trận mưa to, nước mưa cuốn trôi hết tất cả đất cát để trơ lại toàn sỏi đá và tạo thành những ổ voi, ổ gà, khiến đường đã xấu lại càng khó đi thêm, thành thử bao năm qua “văn minh” chưa về đến Phú Nhuận. Vụ mùa năm 2015, máy gặt về làng, bà con nô nức ra xem, có nhà thuê gặt, sau vụ đấy thì máy gặt “mất tích”, ra đi không kỳ trở lại. Nếu ai về Phú Nhuận muốn ăn con tôm, con cá, gọi là tý hải sản thì còn khó hơn cả lên trời, bởi dân nghèo ít người có tiền để mua những “đặc sản” ấy đã đành, mà thương nhân không ai lại dại gì chở hàng về đây bán vì đường xấu, lãi lờ không đủ tiền xăng đi lại. Phú Nhuận cũng mới được xây chợ mấy năm nay, người dân đã được đi chợ để giao dịch mua bán nông sản. Thế nhưng 5 ngày mới có một phiên chợ và nếu phiên chợ vào đúng ngày mưa thì vắng tanh vì sau khi mưa, đường đi xa khó, người chở hàng cồng kềnh đi đường rất dễ trượt ngã.
Đường liên thôn xã Phú Nhuận
Trở lại vụ vải, nếu chăm sóc tốt, một gia đình có hàng trăm cây vải, được giá như vừa qua thì trừ công sức chăm sóc và thuốc sâu, phân bón cũng được đôi trăm triệu. Thế nhưng, bà con Phú Nhuận dù có chăm sóc vải đẹp đến mấy thì cũng không được giá cao như các xã khác trong huyện Lục Ngạn. Anh Ngô Văn Ba (thôn Thuận A, Phú Nhuận) đi bán vải về mồ hôi ướt đầm lưng áo, lau những giọt hôi còn lã chã trên khuôn mặt, anh xót xa kể: Vải chín nhanh quá, mưa lại nhiều thế này, vải nhanh rụng nên phải hái gấp, nhà mình phải thuê người hái. Vậy mà đi đường xóc quá, chở vải đi bán cũng có phải gần đâu, lên chợ Biển người ta trả giá rẻ, lại phải lên tận Tân Hoa, Đồng Cốc, hay Lim để bán. Bán rẻ thì tiếc nhưng đi xa, đường quá xốc khiến cho vải mình thâm hết, thương lái trả giá rẻ như bèo.
Ảnh minh họa
Xã Phú Nhuận còn là cầu nối giữa xã Đèo Gia với xã Biển Động để đi các xã khác. Người dân xã Đèo Gia chưa có chợ nên muốn đi chợ Biển hay đi bán vải đều phải đi qua đường Phú Nhuận. Vậy mà đường khó đi lại phải qua sông qua đò, bà con cực chẳng đã nên nghèo vẫn hoàn nghèo.
Đường khó, dân số thưa, nghèo nàn, lạc hậu, giao thương hầu như không có, chính vì vậy giá trị sản xuất về công nghiệp của xã rất thấp. Theo báo cáo “Tình hình tổ chức hoạt động của UBND xã nhiệm kỳ 2011 – 2016”, thì tổng giá trị sản xuất của các ngành đạt 45,85 tỷ đồng, trong đó ngành nghề nông thôn và xây dựng của xã chỉ chiếm 16% trong tổng số các ngành nghề. Kinh doanh nhỏ lẻ cũng kém phát triển, giá trị sản xuất bình quân đầu người chỉ đạt 10,53 triệu/người/năm. Toàn xã có 1.017 hộ thì năm 2011 có tới 80% hộ thuộc diện nghèo, năm 216 dù có nỗ lực đến mấy thì hộ nghèo cũng vẫn còn gần 50%. Vì vậy xã Phú Nhuận luôn nằm trong danh sách là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn được hỗ trợ của Chính phủ.
Đường xấu không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến giáo dục, an ninh quốc phòng của địa phương. Thầy Nông Văn Ngọ - giáo viên Trường THCS Phú Nhuận cho biết: “Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp luôn đạt 90 - 95%, thế nhưng học sinh thi vào cấp III chỉ có một nửa, có năm thậm chí chỉ vài ba chục em. Nhiều em nhà xa trường, đường khó đi đã bỏ học từ lớp 5, lên cấp II cũng bỏ học giữa chừng để ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. Rất thiệt thòi cho các em”.
Đường đến các thôn
Trên đường đi chúng tôi gặp một cụ già chống gậy đi từng bước giữa cái nắng oi ả của mùa hè. Cụ nói: Từ ngày còn chưa còng lưng, mắt chưa bị mờ, tôi đã thấy người ta về đo đạc bảo sắp làm đường rồi. Vậy mà đến nay, tôi đã gần 90 tuổi rồi vẫn chưa thấy đường đâu. Tôi lê mãi cũng hết cuộc đời rồi, chẳng còn ao ước gì nữa, chỉ mong con cháu sau này có một con đường tốt hơn để đi và cuộc sống khấm khá hơn.
Theo chân bà con trên một đoạn đường lúc họ đi bán vải mới hiểu được nỗi khổ của người dân nơi đây. Sau lưng trở hàng tạ vải, đằng trước có đến mấy chục cân. Ngày mưa, con đường trở nên nhão nhoét, những ổ voi ổ gà thì ngập nước đến nửa bánh xe. Để đi bán được vải phải là những người đàn ông khỏe mạnh mới dám đi trên con đường này. Xe máy phải đi chậm, dùng hai chân bơi như hai mái chèo để giữ thăng bằng cho xe đi qua. Hỏng hết vải thậm chí còn bị tai nạn, mất bao công sức của cả gia đình đu cây, hái vải từ chiều qua cho đến tờ mờ sáng. Giữ như giữ vàng ấy vậy mà đến được điểm cân, quả vải bị thâm sạch, giá bán lúc nào cũng thấp, xót mà không biết làm gì.
Rất nhiều lần bà con và chính quyền địa phương xã Phú Nhuận có đơn kiến nghị lên các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Giang, nhưng không được đáp ứng vì ngân sách làm đường khá lớn, cấp tỉnh không đủ để đầu tư mà cần phải có sự quan tâm của Trung ương, các Bộ ngành. Vì vậy rất mong Đảng, Nhà nước hãy quan tâm, hỗ trợ, đầu tư kinh phí để Phú Nhuận có một con đường khá hơn, giúp giao thông đi lại thuận lợi, góp phần để bà con trong xã sớm thoát được nghèo, từng bước nâng cao dân trí.
Chung Hương