Thứ Bẩy, 01/02/2025 12:53:18 GMT+7
Lượt xem: 294

Tin đăng lúc 12-01-2025

Xã Thụy Lâm (Đông Anh): Phát triển kinh tế song hành gìn giữ nét đẹp văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao

Xã Thụy Lâm là miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng. Trong những năm qua, cùng với những chuyển động của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Đông Anh, chính quyền và nhân dân xã Thụy Lâm đã từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Điều này đã tạo đà cho Thụy Lâm có bước phát triển kinh tế mới, truyền thống lịch sử, văn hóa được giữ gìn và phát huy.
Xã Thụy Lâm (Đông Anh): Phát triển kinh tế song hành gìn giữ nét đẹp văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao
Đường vào xã Thụy Lâm rộng, thoáng, rợp bóng cây xanh

 

Một góc thôn Hương Trầm, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh

 

Năm 2015, xã Thụy Lâm được thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM. Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy; Kế hoạch số 227/KH-UBND Thành phố về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025”; được sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của huyện Đông Anh, Đảng ủy, UBND xã Thụy Lâm đã ban hành Nghị quyết, Quyết định chỉ đạo toàn dân đoàn kết đoàn kết xây dựng NTM nâng cao, đô thị văn minh. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã rà soát, tự chấm điểm, đề xuất huyện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình; phân công các ngành, cán bộ, công chức phụ trách từng tiêu chí, đôn đốc, hướng dẫn, trực tiếp thực hiện các tiêu chí, vừa hoàn thiện hồ sơ.

 

 

11/11 thôn của xã Thụy Lâm được xây dựng nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân các thôn. (Ảnh nhà văn hóa thôn Hương Trầm, xã Thụy Lâm)

 

Trao đổi với lãnh đạo xã Thụy Lâm được biết, thực hiện xây dựng NTM nâng cao (giai đoạn 2016 đến nay), xã Thụy Lâm đã được đầu tư gần 400 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Thành phố trên 8 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 400 tỷ đồng, nhân dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng gần 10 tỷ đồng. Năm 2024, 24 hộ gia đình trong xã hiến đất mở rộng ngõ xóm, ước giá trị khoảng trên 5 tỷ đồng.

 

Xã Thụy Lâm đã được UBND huyện Đông Anh quan tâm, quy hoạch một cách đồng bộ, bài bản, định hướng cho việc xây dựng những đô thị hiện đại. Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, xã Thụy Lâm thuộc quy hoạch phân khu đô thị N6 và Quy hoạch khu đô thị GN(C), tỷ lệ 1/500. Hệ thống đường giao thông đã được nhựa hóa, cứng hóa; trong đó có 19,25km đường trục xã, liên xã; 46,46 km đường trục thôn, 20,19 km đường ngõ xóm và 271 tuyến đường nội đồng với chiều dài 89,096km. Các tuyến đường trục xã, liên xã đã được trang bị hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh đô thị, các nút giao đều có biển báo, biển chỉ dẫn. Các tuyến đường liên thôn giao cho các hội, đoàn thanh niên quản lý chăm sóc, thường xuyên được vệ sinh, phát quang cây cỏ.

 

Giáo dục là một trong những tiêu chí được huyện Đông Anh nói chung, xã Thụy Lâm nói riêng quan tâm. Toàn xã có 4/5 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, trong đó có Trường THCS Thụy Lâm

 

Theo thống kê, xã Thụy Lâm có lực lượng lao động đông đảo, khoảng trên 12.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 86%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm trên 52%. Trong những năm qua, xã Thụy Lâm luôn quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. UBND xã đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể và nhân dân giới thiệu, kết nối việc làm cho 600 người lao động tại các công ty, các KCN. Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự cần cù, sáng tạo của người dân nên thu nhập, đời sống của nhân dân đã được nâng lên. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 72,63 triệu đồng/người/năm; đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 75,58 triệu đồng/người/năm. Toàn xã không còn hộ nghèo, giảm 10 hộ cận nghèo so với năm 2023.

 

Hiện nay, trên địa bàn xã Thụy Lâm có 05 trường đều đạt chuẩn Quốc gia. Trong đó 4/5 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Trong đó, Trường THCS Thụy Lâm có diện tích 18.769m2 với 33 phòng học lý thuyết, 12 phòng học thực hành. Trường Tiểu học Thụy Lâm A có diện tích 16.747m2 với 30 phòng học, 09 phòng chức năng. Trường Mầm non Thụy Lâm có diện tích 6.198m2 với 16 phòng học, 02 phòng chức năng. Trường Mầm non Thụy Lâm có diện tích 9.695m2 với 14 phòng học, 04 phòng chức năng. Riêng Trường Tiểu học Thụy Lâm đang được đầu tư, nâng cấp để đạt chuẩn mức độ 2.

 

 

Ông Đào Xuân Sinh - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Lâm

 

Ông Đào Xuân Sinh – Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Lâm cho biết: Trường THCS Thụy Lâm đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 là mốc son đánh dấu quá trình phấn đấu và trưởng thành của nhà trường. Điều này có giá trị rất lớn đối việc dạy học và học tập của giáo viên và học sinh nhà trường. Được sự quan tâm của Thành phố, huyện Đông Anh, xã Thụy Lâm, các trường học trên địa bàn xã Thụy Lâm đều được đầu tư xây dựng với diện tích rộng dãi, cơ sở vật chất được đầu tư mới, đồng bộ, khang trang, sạch đẹp.

 

 

Nhờ được huyện Đông Anh quan tâm đầu tư xây dựng, các trường có cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang, hiện đại giúp cho chất lượng giáo dục được nâng lên.

 

Trường THCS Thụy Lâm được đầu tư xây dựng trên diện tích trên 18.000m2, với 4 dãy nhà 3 tầng (02 dãy học lý thuyết, 01 dãy thực hành, 01 dãy nhà làm việc của giáo viên). Nhà trường đã được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm các phòng học lý thuyết, phòng chức năng, đảm bảo cho học sinh có thể học lý thuyết kết hợp học thực hành; cùng với sân chơi, sân tập, nhà thể chất, phòng máy, tin học được trang bị thiết bị tiên tiến. Nhờ đó, những năm gần đây chất lượng giáo dục của nhà trường đã được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 cao nhất nhì khu vực. Hàng năm, nhà trường đều có giáo viên thi giáo viên dạy giỏi, đạt giải nhất cấp huyện và đi thi cấp thành phố. Để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới, áp dụng công nghệ thông tin, tiếp cận phần mềm thông tin mới nhất, tổ chức giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố.

 

 

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao của xã Thụy Lâm, các tổ chức hội, đoàn thể đã tích cực tham gia, trong đó, Đoàn Thanh niên xã đã tích cực trồng hoa tại các tuyến đường, khu di tích, tạo cảnh quan môi trường xanh.

 

Thụy Lâm và vùng đất hiếu học, trong thời kỳ phong kiến, xã Thụy Lâm đã có 05 Tiến sĩ được vinh danh tại Quốc Tử Giám. Hiện nay, có nhiều người con Thụy Lâm đỗ đạt cao, công tác tại nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan, ban ngành của nhà nước. Xây dựng NTM nâng cao, đồng thời xây dựng xã thành phường, huyện Đông Anh đã đặc biệt quan tâm cho giáo dục của xã Thụy Lâm. Đây là cơ sở để con em, học sinh Thụy Lâm tiếp bước truyền thống hiếu học của cha ông.

 

 

Đền Sái - một trong 21 di tích của xã Thụy Lâm thường xuyên được Thành phố, huyện Đông Anh, xã Thụy Lâm và nhân dân tôn tạo, gìn giữ.

 

Môt trong những điểm nhấn trong xây dựng NTM nâng cao của xã Thụy Lâm phát triển văn hóa. Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, huyện Đông Anh về phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn xã; xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, Đảng ủy, UBND xã Thụy Lâm đã quán triệt đến Đảng viên trong Đảng bộ và nhân dân và ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã, các thôn, khu tổ chức đẩy mạnh quản lý, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

 

 

Ông Nguyễn Hữu Thanh – Phó ban thường trực Ban quản lý Đền Sái tự hào, giới thiệu về lịch sử Đền Sái - Nơi thờ Đức thánh Cửu Thiên Huyền Vũ.

 

Đến nay, 11/11 thôn của xã đều có nhà văn hóa được xây dựng đạt tiêu chuẩn, được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời, được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ nhu cầu hội họp, thể dục thể thao của nhân dân. Trên địa bàn xã có 21 di tích, gồm có  07 Đình, 09 Chùa, 05 Đền, nằm trong danh mục kiểm kê di tích của Thành phố. Trong đó, các Đình: Thụy Lôi, Hương Trầm, Đào Thục, Cổ Miếu, Mạnh Tân; các Chùa: Đào Thục, Cổ Miếu, Hương Trầm, Biểu Khê; các Đền: Đền Thượng, Đền Sái, Đền thờ Tiến sĩ Lê Tuấn Mậu đã được xếp hạng. Các di tích đều nằm trong danh mục dự án giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021 – 2025.

 

 

Đền Sái có kiến trúc độc đáo và là nơi tâm linh linh thiêng. Lễ hội rước Vua được tổ chức ở Đền Sái vào ngày 11/01 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn, thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách đến thăm quan, chiêm bái.

 

Trong các di tích, nổi tiếng có Đền Sái – thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền Sái nằm trên ngọn núi, giữa cánh đồng, ven sông Cà Lồ. Sử sách ghi: năm Thuận Thiên thứ hai 1011, vua Lý Công Uẩn, sau khi dời đô Hoa Lư về Thăng Long đã tìm về đền Sái. Vua Lý rất giỏi chữ Hán, phong thủy, ông biết được phương Bắc có ngôi chùa thờ quan Trấn Vũ rất linh thiêng. Vì thế, vua đã lên đền Sái làm lễ rước cờ hiệu, đưa đức Huyền Thiên Trấn Vũ về kinh đô Thăng Long. Cũng năm đó, vua Lý Công Uẩn cho người xây đền Quán Thánh bên Hồ Tây, không chỉ thuận lợi cho việc làm lễ thờ cúng mà còn để. Hiện đền Sái vẫn còn lệnh bài của vua Lý Công Uẩn: “Nay Trẫm lập thêm ngôi đền nữa, đầu hồ Cửa Bắc để thờ Người; rước duệ hiệu về nơi Kinh thờ cúng”. Đền Sái không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo mà còn là điểm đến tâm linh linh thiêng. Hàng năm, cứ đến ngày 11/01 âm lịch chính quyền và nhân dân xã Thụy Lâm tổ chức Lễ hội Đền Sái.

 

 

Nét kiến trúc độc đáo của Đền Sái 

 

Ông Nguyễn Hữu Thanh – Phó ban thường trực Ban quản lý Đền Sái chia sẻ: Đền Sái thờ ngài Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ từ hơn 2.000 năm trước. Qua các thời kỳ giặc giã tàn phá, nơi đây còn mỗi cung thờ ngài. Năm 1986, Đền Sái được nhà nước cấp Bằng di tích cấp quốc gia. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp và sự ủng hộ của nhân dân, Đền Sái đã được phục dựng theo nếp cổ. Trong một năm có hai ngày, ngày 2/3 là ngày chầu Vía của Ngài và ngày 9/9 là ngày hóa của Ngài. Lễ hội Đền Sái được tổ chức vào ngày 11/01 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn thu hút hàng vạn người địa phương và du khách thập phương.

 

Qua thực tế xây dựng NTM nâng cao của xã Thụy Lâm nhận thấy, kinh tế địa phương, đời sống nhân dân đã có nhiều đổi mới, giáo dục văn hóa, thuần phong mỹ tục được giữ gìn và phát huy. Nhân dân Thụy lâm hài lòng về thành quả xây dựng NTM. Đây là bước đà quan trọng để Thụy Lâm vững bước lên phường, góp phần thiết thực xây dựng huyện Đông Anh lên quận.

 

Minh Ngọc

 

Bài viết có sự phối hợp thông tin của Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Nội.

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang