Thứ Sáu, 22/11/2024 16:33:26 GMT+7
Lượt xem: 7302

Tin đăng lúc 31-03-2015

Xăng dầu, điện tăng giá - CPI sắp tới sẽ ra sao?

Theo Quyết định của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, từ ngày 11/3/2015 giá mỗi lít xăng tăng 1.600 đồng ( tăng 10,27% ) và đến ngày 16/3/2015 giá điện tăng 7,5%. Như vậy, hai mặt hàng thiết yếu của nhóm năng lượng đã tăng giá trong tháng 3/2015.
Xăng dầu, điện tăng giá - CPI sắp tới sẽ ra sao?

Xăng dầu, điện là hai mặt hàng tác động trực tiếp đến sản xuất, giao thông vận tải và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Thực ra, việc tăng giá hai mặt hàng này đã được “ dự báo” từ khi giáp Tết. Tuy vậy, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng khá ngỡ ngàng, vì hiện tại không ít ngành sản xuất tiêu thụ lớn nguồn năng lượng này gặp khó khăn và nhu cầu tiêu dùng cũng đang có xu hướng giảm. Hơn nữa, thời gian tăng giá hai mặt hàng này lại quá gần nhau.

 

Trong cơ cấu giá bán lẻ mới mà Bộ Công Thương ban hành, mức giá đắt nhất dành cho sinh hoạt hộ gia đình là 2.587 đồng/kWh, trong khi đó, mức giá cao nhất cho khối sản xuất là 2.735 đồng/kWh và cho khối kinh doanh là 3.991 đồng/kWh. Giá điện sẽ trở nên đắt đỏ hơn nếu người dân tiêu thụ nhiều điện và sử dụng vào giờ cao điểm.

 

Việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tăng/ giảm giá hàng hóa, thể hiện trong chỉ số CPI. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong chuỗi dài giảm giá từ tháng 7/2014, đặc biệt trong 4 tháng (11, 12/ 2014 và tháng 1, 2/ 2015 ), nhờ giá xăng dầu giảm làm cho CPI chung giảm. Cụ thể, tháng 2/2015 giảm 0,05%, trong đó nhóm giao thông vận tải, giá xăng góp phần vào 0,39% với mức riêng của nhóm đó là 4,41%. Còn tháng 1 mức giảm tác động vào trên 3,39% làm CPI tăng 0,2%. Cũng theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá xăng dầu gần đây nhất làm CPI tăng 0,03%. Rõ ràng giá xăng dầu tăng/giảm có tác động vào giá.

 

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng lo ngại sẽ phải chịu tác động kép từ việc tăng giá điện sát thời điểm tăng giá xăng dầu và sẽ có hiện tượng “tát nước theo mưa”. Nhiều doanh nghiệp vốn tiêu tốn nhiều điện năng, xăng dầu như sắt thép, xi măng, giao thông vận tải sẽ bị gia tăng thêm áp lực. Với chi phí tiền điện lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng, thì từ ngày 16/3/2015, khoản mà các doanh nghiệp phải trả thêm cho tiền điện là không hề nhỏ, điều này chắc chắn sẽ tác động lên giá thành và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Mặc dù vậy, áp lực này không phải quá lớn, bởi mặt bằng lãi suất đang ổn định và có xu hướng giảm, một số chi phí đầu vào không tăng đột biến. Báo cáo kinh tế vĩ mô đưa ra dự đoán, CPI tháng 3 nhiều khả năng vẫn thấp và tiếp tục giảm nhẹ 0,1% - 0,2% so với tháng 2, tương đương nhích lên 0,6% - 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tuy nhiên, trong những tháng của quý 2, việc giá điện và xăng dầu tăng chính thức sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI trong tháng 4 lên khoảng 0,15% và tiếp tục tác động vòng 2 lên CPI các tháng sau đó do điện là đầu vào quan trọng cho sản xuất và chiếm tỷ trọng nhất định trong chi phí sinh hoạt.

 

Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh sức cầu trong nước phục hồi chưa mạnh, cộng với với việc mặt bằng giá cả thường ít biến động và khá ổn định sau Tết cũng như trong quý 2, dự báo diễn biến CPI theo cùng kỳ trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ tăng dần nhưng không quá đột biến và sẽ vào khoảng 1% -1,1% so với cùng kỳ khi kết thúc nửa đầu năm 2015. Với việc dịp Tết năm nay rơi vào nửa cuối tháng 2, trong khi Tết năm ngoái kết thúc vào đầu tháng 2, có thể thấy, cầu tiêu dùng chưa có điều kiện cải thiện. Trong bối cảnh hiện tại, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khá tốt, giá cả hàng hóa thiết yếu trên thế giới và trong nước ổn định, nguồn cung dồi dào, lộ trình tăng giá các mặt hàng thiết yếu đều được tính toán về mức độ và thời gian, nhằm giảm thiểu tác động lan tỏa gây áp lực lên mặt bằng giá và giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Thông thường lạm phát hoặc tăng CPI từ 2 nguyên nhân: Tăng chi phí đầu vào (chi phí đẩy) hoặc do cầu hơn cung, cung không đáp ứng được cầu dẫn đến giá tăng, lạm phát tăng.

 

Như trên đã phân tích, tác động đầu vào của điện, xăng dầu vào lạm phát CPI. Trong nhiều năm gần đây, phần lớn do đẩy mạnh sản xuất, tái cơ cấu, tín hiệu thị trường ngày càng tốt hơn nên cung - cầu đã gặp nhau. Phần lớn các mặt hàng không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nhất là trong dịp Tết, dịp mùa vụ, chứng tỏ cung - cầu đã điều tiết theo thị trường hơn và vai trò của điều hành của Chính phủ can thiệp bình ổn khi cần thiết đã thực hiện tốt hơn. Ví dụ, trong điều hành chung của liên Bộ, dự đoán thị trường, chương trình bình ổn giá dịp Tết, hay gần đây, Chính phủ ráo riết xây dựng lại Luật Đầu tư làm giảm chi phí cho DN, tạo động lực cho DN sản xuất kinh doanh.

 

Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì vấn đề vào cuộc thông tin, định hướng cho người tiêu dùng tránh tình trạng tạo nên những cơn sốt ảo, những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất, tiêu dùng và tính công khai minh bạch của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp.

 

Hà Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang