Trải qua 47 năm hình thành và phát triển, Công ty CP Dệt may Đầu tư – Thương mại Thành Công đã vươn lên thành một trong những DN dệt may hàng đầu Việt Nam với sản phẩm được xuất khẩu đến hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong những năm gần đây, May Thành Công đặt tiêu chí phát triển bền vững làm kim chỉ nam trong hành trình phát triển của mình. Công ty chủ động đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải, giảm phát thải ra môi trường, tiết kiệm và xử dụng nguồn nước, sử dụng năng lượng mặt trời nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Thành Công cho biết, từ năm 2015, Công ty đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh (R&BD) chuyên nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ…, dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống. Từ trung tâm này, May Thành Công đã cho ra đời một số sản phẩm vải chống cháy, vải từ bã mía, bắp… và sản xuất hàng may mặc từ các loại vải này. Theo đó, May Thành Công đã nhận được các chứng nhận về môi trường (EU ECOLABEL), sản phẩm dệt may bền vững (Sustainable Apparel Coalition/ Higg Index), sản phẩm Organic Content Standard (OCS), Global Organic Textile Standard (GOTS), Global Recycled Standard (GRS)…
Dệt may Thành Công là một trong những doanh nghiệp tiên phong “xanh hoá”
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Vải sợi Bảo Lân lại là một câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng từ chính những sản phẩm sợi xanh.
Ông Quách Kiến Lân, Tổng giám đốc Công ty Vải sợi Bảo Lân từ lâu đã nung nấu ý tưởng phải tạo ra sự thay đổi cho ngành vải sợi theo hướng bền vững hơn. Năm 2011, ông thành lập Công ty TNHH MTV Vải sợi Bảo Lân với hoài bão cung cấp nguyên liệu xanh cho ngành Dệt May, từ đó thúc đẩy xu hướng thời trang xanh.
Ông Quách Kiến Lân chia sẻ: “Sản phẩm đầu tiên của Bảo Lân là sợi tái chế, được tung ra thị trường vào cuối năm 2011. Để làm ra được sản phẩm này, chúng tôi đã mất gần 6 tháng để đi khắp Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia… tìm nguồn vải tái chế. Thời điểm đó, hầu như không ai biết sợi tái chế là gì, ở đâu có. Một số loại vải tái chế mà tôi tìm được lại không dùng được cho dệt may”.
Khi đã tìm được nguyên liệu phù hợp và sản xuất ra sản phẩm, Bảo Lân tiếp tục mất thêm gần 6 tháng để thuyết phục khách hàng mua. Bởi khi đó trên thị trường không ai quan tâm tới sợi tái chế và tất cả đều lấy lý do giá quá cao. Do đó, để bán được hàng, ông Lân đã phải chấp nhận bán sợi tái chế với mức giá tương đương với sợi thông thường, dù chi phí sản xuất đắt hơn.
Đến nay, Công ty TNHH MTV Vải sợi Bảo Lân đã khẳng định được vị thế dẫn đầu trong việc cung cấp vải sợi đạt chuẩn sinh thái cho mọi quy mô đơn hàng. Hiện Bảo Lân đang phát triển 2 thương hiệu Green Yarn và W.ELL FABRIC. Trong đó, Green Yarn tập trung vào tìm nguồn, phát triển và phân phối sợi vải bền vững số lượng lớn đến các nhà máy may mặc Việt Nam; còn W.ELL FABRIC chuyên nghiên cứu, sản xuất các loại vải xu hướng xanh có nguồn gốc tự nhiên như cotton hữu cơ, cà phê, tre… và có thêm các tính năng bảo vệ. Hiện các nhà máy may mặc sản xuất sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu liên tục đặt hàng vải sợi sinh thái của Bảo Lân.
Hoá giải thách thức, tìm kiếm cơ hội mới
Là một trong những ngành có quy mô kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, Dệt May đang giải quyết việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động. Tuy nhiên, bối cảnh suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 cùng những biến động của kinh tế thế giới đang đặt ra cho các DN dệt may Việt Nam không ít thách thức. Theo các chuyên gia, nếu không sớm thích ứng, nhất là chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, bền vững, sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ rất khó đi vào các thị trường truyền thống như EU, Mỹ sau khi kinh tế phục hồi.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng cho biết, từ cách đây 5 năm, ngành Dệt May Việt Nam đã phải chịu nhiều áp lực từ các thị trường với những yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, khí thải, nước thải, môi trường làm việc, vấn đề liên quan đến chứng chỉ an toàn trong sản phẩm dệt may… Trong đó, thị trường châu Âu đưa ra những yêu cầu khắt khe nhất, tiếp đến là thị trường Mỹ, đây cũng là 2 thị trường lớn nhất của ngành Dệt May Việt Nam hiện nay.
Hiện phía EU đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng các sản phẩm tái chế. Các nhãn hàng cũng đòi hỏi nhà sản xuất Việt Nam phải thích ứng được yêu cầu của thị trường về sản phẩm tái chế. Vì vậy, các nhà sản xuất sợi của Việt Nam đã phải thay đổi một số thiết bị công nghệ cho ngành kéo sợi và sử dụng một số sản phẩm từ bông, sợi polyester pha trộn với sợi tái chế.
Có thể nói, việc đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất vải và xanh hoá chuỗi sản xuất sẽ giúp ngành Dệt May Việt Nam biến điểm yếu thành sức mạnh để tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ trong các năm tới. Các chuyên gia đều khẳng định, để làm cho ngành Dệt May mạnh lên thì cần phải chuyển đổi từ gia công lên các phương thức cao hơn, trong đó, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải chủ động được nguồn cung vải. Nếu không sản xuất vải ở Việt Nam thì phương thức gia công sẽ tiếp tục còn tồn tại rất lâu và Việt Nam sẽ tiếp tục bị cạnh tranh từ Bangladesh, Ấn Độ với chi phí lao động rất rẻ.
Bên cạnh đó, vải sản xuất tại Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu xuất xứ hàng hóa từ các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác trong CPTPP. Nhà đầu tư cũng sẽ phải gắn bó lâu dài bởi tiền đầu tư lớn, lợi nhuận cao, sự gắn kết chặt chẽ vào chuỗi cung ứng, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường cao. Trong nỗ lực tự chủ nguồn cung ứng vải, nhiều DN Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các loại sợi, vải có nguồn gốc tự nhiên và được thị trường thế giới đánh giá rất cao. Điển hình như sợi dứa của ECOSOI, sợi cà phê của Fastlink, sợi gai xanh của tập đoàn An Phước...
Bà Nguyễn Thanh Ngân, Phó Trưởng ban Đầu tư và Phát triển - Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, nếu ngành Dệt May Việt Nam không có động thái giảm phát thải khí nhà kính thì sẽ không thể xuất khẩu vào châu Âu cũng như các quốc gia đã cụ thể hoá cam kết Net Zero vào luật. Để làm được điều này, ngành Dệt May cần chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn thay cho kinh tế tuyến tính hiện tại để giảm dấu vết carbon trên toàn chuỗi. Cụ thể, cần kéo dài vòng đời sản phẩm, minh bạch chuỗi cung ứng để khi quét mã QR khách hàng có thể biết được các thông tin như sản phẩm được sản xuất ở đâu, mức phát thải carbon như thế nào, nhà máy có sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức hay không… Tất cả những điều này đang được các quốc gia châu Âu xem xét rất kỹ lưỡng và chắc chắn các DN dệt may Việt Nam sẽ phải tuân thủ trong tương lai. Theo đó, hàng hoá có dấu vết carbon càng thấp thì càng có lợi thế cạnh tranh.
Trên thực tế, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh đang được các doanh nghiệp dệt may tích cực chủ động như một cách để tự bảo vệ chính mình. Ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổng giám đốc KCN Bảo Minh cho biết, hiện 70% doanh nghiệp tại KCN Bảo Minh hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Tất cả doanh nghiệp này rất quan tâm và nghiêm túc thực hiện các quy định của Chính phủ cũng như yêu cầu của đối tác, nhãn hàng trong việc xử lý nước thải, chất thải ra môi trường cũng như thực hiện tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tuần hoàn. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đứng ngoài xu thế chung của toàn cầu trong việc chuyển đổi xanh chuỗi sản xuất.
Minh Lê