Thứ Tư, 27/11/2024 01:40:07 GMT+7
Lượt xem: 1302

Tin đăng lúc 28-03-2020

Xây dựng Chính phủ điện tử: Nhiều nhóm giải pháp hiệu quả

Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, tới đây, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ tiến hành kiểm tra kết quả công tác thực hiện Nghị quyết quan trọng này tại nhiều bộ, ngành, địa phương.
Xây dựng Chính phủ điện tử: Nhiều nhóm giải pháp hiệu quả

Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo với nhiều nhóm giải pháp hiệu quả. Trong đó, nổi bật là việc phát triển các nền tảng CPĐT dùng chung để phá vỡ “điểm nghẽn” trong việc triển khai CPĐT của giai đoạn trước. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã phát triển các phần mềm dùng chung, dần khắc phục tình trạng “cát cứ” dữ liệu, thực hiện “Bộ điểm, tỉnh điểm” về CPĐT; thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số làm chủ các sản phẩm, công nghệ trong triển khai CPĐT…

 

Điển hình như tại Bộ Công Thương, ngay sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, Bộ đã chủ động xây dựng, triển khai CPĐT, xây dựng dịch vụ công trực tuyến gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cải cách và hiện đại hóa hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh… Nhờ đó, đến nay, 292/292 thủ tục hành chính cấp trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được thực hiện trực tuyến từ mức độ 2 trở lên, trong đó 122 dịch vụ đạt cấp độ 3 và 44 dịch vụ đạt cấp độ 4.

 

Tuy nhiên, cũng như Bộ Công Thương, nhiều bộ, ngành, nhất là các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như: Chưa thực hiện tốt công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến gắn với tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp… Đặc biệt, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu thông tin chuyên ngành phục vụ công tác quản lý giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thông suốt, kịp thời và hiệu quả.

 

Nhằm khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh xây dựng và thực hiện CPĐT, ngày 23/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về CPĐT trong năm 2020. Theo đó, ngay trong quý I/2020, các thành viên Ủy ban sẽ cho ý kiến về Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) tại các bộ, ngành, địa phương và danh sách các nền tảng dùng chung của CPĐT do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng. Sau đó, lần lượt vào quý II và III, Ủy ban sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân và Chiến lược phát triển CPĐT giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 hiện đang được Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo.

 

Kế hoạch này cũng nêu rõ 9 nội dung công việc sẽ được Ủy ban tập trung thực hiện trong năm nay, nhằm xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CPĐT và các hệ thống thông tin đổi mới phương thức làm việc. Các thành viên Ủy ban sẽ cho ý kiến về các nội dung cơ bản, như: Triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia dân cư; nâng cấp CSDL về phương tiện giao thông phục vụ hoạch định chính sách, quy hoạch đô thị; xây dựng CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc…

 

Năm 2020, phấn đấu hoàn thành 3 mục tiêu: 100% bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành phố có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang