Nhằm phát triển kinh tế của Việt Nam hướng tới nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng có nguồn gốc nhiên liệu hóa thạch hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và góp phần giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa qua, chính phủ VN đã ban hành nhiều định hướng, cơ chế chính sách về mục tiêu tăng trưởng xanh như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2012; chiến lược tăng trưởng xanh được ban hành năm 2014 và nhiều cơ chế chính sách cụ thể khác…
Đối với Bộ Công Thương, mục tiêu chính của kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2015–2020 đó là đến năm 2020 toàn ngành Công Thương giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8–10% so với mức năm 2010; Giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị sản phẩm từ 1-1,5% mỗi năm; lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10,5–20% trong mức phương án phát triển bình thường.
Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam” được tổ chức nhằm xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam cũng như kinh nghiệm thực tiễn về tăng trưởng xanh tại một số quốc gia với các nội dung cụ thể như: Rà soát và đánh giá kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Bộ Công Thương giai đoạn 2015 – 2020; kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp ngành; kinh nghiệm thực tiễn về tăng trưởng xanh tại một số nước OECD; đề xuất và khuyến nghị khung Kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030; áp dụng mô hình TIME xác định các mục tiêu tăng trưởng xanh cấp ngành, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam…
Đại diện tổ chức quốc tế tại Hội thảo
Được biết, từ năm 2014, Bộ Công Thương đã được UNDP hỗ trợ xây dựng và ban hành kế hoạch hành động triển khai chiến lược và đặt ra mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính, tập trung trong các ngành thép, phân bón, hóa chất, thép nhiệt điện than. Cụ thể: Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nhiệt điện đốt than từ 10%-20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện 10%, mức phấn đấu thêm khi có hỗ trợ quốc tế là 10%; Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất phân bón hóa học từ 9%-15% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện 9%, mức phấn đấu thêm khi có hỗ trợ quốc tế là 6%; Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất thép từ 10%-20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện 10%, mức phấn đấu thêm khi có hỗ trợ quốc tế là 10%.
Ngoài ra kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Bộ Công Thương còn nhằm mục tiêu xanh hóa sản xuất nhằm tái cơ cấu và điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phù hợp quan điểm tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; đẩy mạnh áp dụng sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, tích cực đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường trong sản xuất công nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu như giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong sản xuất công nghiệp và thương mại là 42 - 45%...
Các chuyên gia nước ngoài tại Hội thảo
Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành Công Thương đối với các lĩnh vực nhiệt điện, năng lượng tái tạo, cũng như ngành thép và dệt may.
Kết thúc Hội thảo, đại diện Bộ Công Thương cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại diện các tổ chức, cá nhân. Hy vọng rằng, với những vấn đề đã được trao đổi trực tiếp tại Hội thảo, ngành Công Thương sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường.
Nguyễn Hoa