Thứ Ba, 03/12/2024 23:43:41 GMT+7
Lượt xem: 96

Tin đăng lúc 14-11-2024

Xây dựng và hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển bền vững

Thế giới đang phải đối mặt với các thách thức lớn về suy giảm, cạn kiệt tài nguyên, thiếu hụt năng lượng, ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính gia tăng. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống con người và quan trọng hơn nữa là ảnh hưởng đến trái đất, môi trường sống tự nhiên của mọi sinh vật trên trái đất. Trong bối cảnh đó, cộng đồng thế giới và mỗi quốc gia đã dồn sự quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững.
Xây dựng và hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển bền vững
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thươngchia sẻ các định hướng về sản xuất bền vững và giảm phát thải của Việt Nam

Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững là một trong các trụ cột quan trọng để các quốc gia cụ thể hóa các chính sách, mô hình, hành động trên con đường phát triển của mình. Trong đó, việc xây dựng hoàn thiện và thực thi các chính sách thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng, phát triển nguyên nhiên liệu tái tạo, tái chế có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm phát thải, cải thiện chất lượng sống người dân, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã và đang là xu thế chủ đạo và diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

 

Đến nay, ngày càng nhiều sáng kiến thúc đẩy mô hình bền vững theo cách tiếp cận vòng đời sản phẩm như Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SXVTDBV), Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được coi trọng và ưu tiên áp dụng trong thực tiễn. Cùng với đó, các sáng kiến về Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (SDNLTK&HQ), phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và Giảm phát thải khí nhà kính đang được đẩy mạnh góp phần thực hiện các mục tiêu, cam kết về PTBV và Biến đổi khí hậu (BĐKH) của các quốc gia, khu vực và toàn cầu.

 

Đối tác tin cậy bền vững

 

Chia sẻ tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU  2024, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Bên cạnh những quyết tâm chính trị và việc quốc gia tự nỗ lực, Việt Nam lựa chọn đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước, các khu vực có nguồn lực và kinh nghiệm vượt trội. Trong đó, EU là một trong các khu vực đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi xanh và giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác mật thiết, tích cực, lâu dài với Việt Nam, EU đã trở thành một trong những đối tác lớn và tin cậy về phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt về chuyển đổi năng lượng bền vững, chuyển đổi xanh.

 

"Một trong những hỗ trợ lớn nhất của EU đối với  ngành Công Thương hiện nay chính là chương trình Chương trình Chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – Liên minh châu Âu. Hiệp định tài chính của Chương trình được ký ngày 31 tháng 12 năm 2021, với 02 hợp phần (1) Hỗ trợ các dự án cấp điện nông thôn tại Việt Nam và (2) hỗ trợ Chương trình quốc gia SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 – 2030 (Chương trình VNEEP3) của Việt Nam. 

 

Ngoài hợp tác trên, các nước thành viên của EU cũng có những hoạt động hợp tác khác trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như Cơ chế chuyển đổi năng lượng công bằng cũng như nhiều hoạt động song phương khác. Đây là những hoạt động hợp tác rất có ý nghĩa mà Bộ Công Thương mong muốn sẽ được thực hiện một cách có hiệu quả nhất trong thời gian tới", bà Lâm Giang cho biết thêm.

 

Xây dựng và hoàn thiện chính sách

 

Tại Việt Nam, hệ thống chính sách về thúc đẩy Phát triển bền vững đã cơ bản được hình thành, thể hiện rõ nét trong các văn bản của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cụ thể như: Nghị quyết số 136/NQ-TW ngày 25/9/2020 về Phát triển bền vững; Quyết định 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và các chiến lược, chính sách, quy định về năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

 

Tại các văn bản này, các nhiệm vụ giải pháp triển khai thực hiện đã được xác định, trong đó chú trọng ưu tiên xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng bền vững, (ii thúc đẩy áp dụng các mô hình bền vững, phát triển thị trường sản phẩm nguyên vật liệu xanh, tái tạo tái chế và tăng cường liên kết hợp tác phát triển bền vững. Đồng thời, vai trò trách nhiệm của các Bộ ngành (trong đó có Bộ Công Thương) đã được quy định.

 

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chú trọng phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong việc các nhiệm vụ, hoạt động được ưu tiên triển khai bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật về SDNLTK&HQ, NLTT, ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh, cụ thể như Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch hành động ứng phó Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050; Đẩy mạnh xanh hóa, áp dụng mô hình bền vững về SXTDBV, KTTH trong các lĩnh vực ngành có tiềm năng. Các mô hình bền vững được chú trọng không chỉ tập trung áp dụng trong sản xuất, đang mở rộng dần sang lĩnh vực thương mại, tiêu dùng tiếp cận theo vòng đời sản phẩm.

 

Các nhiệm vụ, hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành Công Thương mặc dù đã được quan tâm và chú trọng triển khai song đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Điều này bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan như: tác động kéo dài của đại dịch Covid; sự biến động kinh tế khu vực và toàn cầu; phạm vi các lĩnh vực mới về PTBV như BĐKH, KTTH khá rộng và phức tạp gây khó khăn cho việc tiếp cận và triển khai thực tiễn.

 

Ngoài ra, các chính sách về PTBV, đặc biệt trong lĩnh vực BĐKH và KTTH chưa đầy đủ, bao hàm thiếu các quy định, hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan; Khó khăn cũng đến từ một số nguyên nhân như: việc tiếp cận thông tin chính sách quy định quốc tế về PTBV, trao đổi kinh nghiệm học hỏi về đổi mới áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững; khả năng thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính xanh; đổi mới ứng dụng công nghệ; hợp tác phát triển và liên kết bền vững theo chuỗi còn hạn chế.

 

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo hướng bền vững

 

Trên cơ sở nhận diện các cơ hội thách thức PTBV ngành Công Thương và thực tiễn nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập kinh doanh thương mại quốc tế của các doanh nghiệp, tới đây Bộ Công Thương chú trọng ưu tiên các hoạt động, nhiệm vụ nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững và giảm phát thải như nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện, xây dựng, ban hành và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các Quy định, Tiêu chuẩn xanh như các tiêu chuẩn về Kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, bộ tiêu chuẩn về EGS (môi trường quản trị và xã hội); tiêu chuẩn về nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế; các chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xanh (năng lượng tái tạo, tái chế chất thải..), các chính sách giảm thiểu phát thải, phát triển thị trường cacbon…

 

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng thí điểm và nhân rộng các mô hình Sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên); ưu tiên áp dụng các mô hình tái chế chất thải, mô hình thiết kế sản phẩm bền vững, mô hình cộng sinh công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, phát triển chuỗi bền vững, tuần hoàn; Thúc đẩy các hoạt động chứng nhận doanh nghiệp bền vững và dán nhãn sinh thái; cũng như xúc tiến thương mại, xuất khẩu bền vững đối với sản phẩm xanh; Tăng cường liên kết sản xuất và tiêu dùng bền vững.

 

 

Tăng cường thu hút các khoản đầu tư xanh vào Việt Nam 

 

Cũng trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành Công Thương, đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo hướng bền vững giữa EU và Việt Nam, Bộ Công Thương kiến nghị đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với EU cũng như đề nghị các doanh nghiệp tham gia thực hiện các hoạt động sau:

 

Thứ nhất, hợp tác trong lĩnh vực tài chính xanh thông qua nâng cao năng lực cho các cơ quan, các tổ chức tài chính; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh 

 

Thứ hai, hỗ trợ kỹ thuật trong việc áp dụng các bộ công cụ PTBV nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững, triển khai thực hành bộ tiêu chuẩn EGS, áp dụng các mô hình bền vững trong các lĩnh vực tiềm năng (dệt may, da giày, điện tử, đồ uống, thực phẩm, bao bì, nhựa, hóa chất,…)

 

Thứ ba, hợp tác liên kết nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư giữa EU và Việt Nam đối với các công nghệ, nguyên vật liệu, sản phẩm xanh; thúc đẩy chuỗi bền vững tuần hoàn thông qua hỗ trợ kết nối, liên kết giữa các nhà cung ứng, các doanh nghiệp, các nhãn hàng, khách hàng và các bên liên quan trong chuỗi

 

Thứ tư, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm: Trao đổi, chuyển giao giải pháp, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thực thi quy định pháp luật về SDNLTKHQ, các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về SDNLTKHQ trong công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, quản lý và kiểm toán năng lượng; Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng quy định và thực thi, kiểm tra tuân thủ về nhãn năng lượng đối với các sản phẩm công nghiệp trên thị trường;

 

Thứ năm, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu trong khuôn khổ ngành Công Thương thông qua việc trao đổi, chuyển giao giải pháp, công nghệ thu hồi-sử dụng-lưu trữ carbon; Chia sẻ kinh nghiệm về tính toán dấu vết carbon, thị trường carbon và các vấn đề liên quan; Chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ về kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính;

 

Thứ sáu, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực từ quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách đến cấp kỹ thuật, doanh nghiệp,... về các chính sách, quy định, tiêu chuẩn quốc tế về TKNL, ứng phó BĐKH và PTBV và các mô hình bền vững, ưu tiên trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, SXTDBV, KTTH, ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh, kiểm toán và quản lý năng lượng, tín dụng carbon, kiểm kê phát thải khí nhà kính ngành năng lượng và công nghiệp.

 

Theo scp.gov.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang