Theo thông tin của Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, người dân tỉnh này sử dụng trung bình 7.600 tấn thuốc bảo vệ thực vật/năm và có khoảng 1.000 người tham gia phun thuốc trừ sâu (PTTS) một cách thủ công, tức trực tiếp dùng bình để phun, xịt trên ruộng. Hoạt động phun xịt này ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân, gây ô nhiễm môi trường cũng như không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong bối cảnh đó Phân viện Nghiên cứu Điện tử, tin học và tự động hóa tại TPHCM đã thực hiện đề tài "Thiết kế, chế tạo và ứng dụng xe phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa cho ruộng lúa" và được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu năm 2019.
TS. Trần Viết Thắng, Chủ nhiệm đề tài, cho biết, để giải quyết các vấn đề của việc PTTS thủ công, tại Việt Nam đã có nhiều sáng kiến chế tạo xe PTTS với ưu điểm như thiết bị đơn giản, dễ sử dụng, giá thành thấp. Tuy nhiên, những loại xe này còn nhiều bất cập như tốn nhiên liệu, phải chở thêm người vận hành... Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, xe PTTS phải đạt những yêu cầu như vận hành được trên ruộng nước có bùn sụt lún, trọng lượng xe đủ nhẹ; bánh xe nhỏ không làm nát lúa; xe có cần gạt để phun dưới thân, lá; đảm bảo năng suất phun từ 25.000 – 30.000 m2/giờ; có khả năng điều khiển từ xa; giá thành hợp lý, tiêu tốn ít năng lượng;...
Sau gần hai năm, nhóm nghiên cứu đã thiết kế, chế tạo thành công xe phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa cho ruộng lúa.
TS Thắng, cho biết, nhóm chế tạo hai loại xe PTTS có trọng lượng không tải 60kg và 120kg. Khi thuốc và xăng, trọng lượng các xe lần lượt là 140kg và 230kg. Xe có 3 bánh, tốc độ di chuyển 2 - 3km/giờ, năng suất phun 2 - 3ha/giờ, phun được cho ruộng lúa nước có mức nước ngập tới 40cm, bùn 35cm, mức nát lúa không đáng kể. Xe có khả năng tự di chuyển trên đường thẳng và quay đầu nhờ hệ thống cảm biến định hướng tích hợp trên bộ điều khiển.
Ngoài những ưu điểm như kể trên, thiết bị còn hoạt động ổn định, độ bền cao, dễ vận hành, bảo trì bảo dưỡng. Ngoài ra, kỹ thuật điều khiển từ xa với tầm xa (250m) đủ để không ảnh hưởng đến sức khỏe người điều khiển.
Các xe được kiểm chứng kỹ thuật độc lập bởi Công ty TNHH Một thành viên Bi GO (An Giang); đồng thời đã được thử nghiệm trên ruộng lầy trồng lúa tại An Giang với kết quả đáp ứng yêu cầu sử dụng thực tế.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, nhưng dùng xe PTTS tự hành giảm được ½ chi phí (nhân công, hao mòn máy, nhiên liệu) so với máy thủ công.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã chuyển giao sản xuất thương mại cho một số cơ sở với giá thành từ 30-50 triệu đồng/xe, tùy theo kích cỡ.
Thời gian sắp tới, nhóm hợp tác với các đơn vị như Công ty Máy nông nghiệp Châu Phú, Công ty Cổ phần máy và thiết bị công nghiệp quốc tế (TPHCM), Doanh nghiệp Cơ khí Ngọc Chẩn (Kiên Giang),... để tiếp tục nghiên cứu cải tiến máy phù hợp, linh hoạt hơn với nhiều loại cây nông nghiệp, ở các địa hình khác nhau.
Theo Khoa học phát triển