Thứ Bẩy, 23/11/2024 23:59:12 GMT+7
Lượt xem: 5001

Tin đăng lúc 24-04-2019

Xu hướng sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi trong năm 2019

“Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế” - câu nói cho thấy vấn đề về thực phẩm bẩn đang là mối lo hiện hữu của con người hiện nay. Trước thực trạng “ăn cũng chết mà không ăn cũng chết” thì xu hướng sử dụng thực phẩm sạch đang được người tiêu dùng (NTD) hướng đến. Đã có nhiều doanh nghiệp đang dần hình thành chuỗi sản xuất khép kín trong sản xuất thực phẩm sạch, giờ đây NTD có thể hoàn toàn đặt niềm tin vào những sản phẩm được cung cấp ra thị trường.
Xu hướng sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi trong năm 2019
Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch thủy canh của Công ty TNHH Đà Lạt GAP

Doanh nghiệp cùng đồng hành

Cứ có sâu bệnh là bơm thuốc đã trở thành thói quen của nhiều người sản xuất nông nghiệp. Tình trạng lạm dụng thuốc hóa học của người nông dân không phải là hiếm ở nhiều nơi, theo ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội, khi đời sống kinh tế ngày càng cao, nhu cầu sử dụng thực phẩm của NTD trong nước cũng gia tăng nhanh chóng, điều này đòi hỏi năng suất cũng phải tăng theo để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cũng vì chạy theo số lượng mà không ít nông dân chỉ quan tâm đến năng suất, lợi nhuận, không chú ý đến chất lượng nông sản.

Trước tình hình đó, thời gian qua, trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, DN luôn được xác định là “đầu tàu”, có vai trò quyết định trong phát triển chuỗi liên kết từ tổ chức sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, phân phối trực tiếp nông sản thực phẩm an toàn trên thị trường. Trong đó, nổi lên một số DN điển hình như: Tập đoàn TH; Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup); Tập đoàn Minh Phú; Công ty Rau quả sạch quốc tế FVF… Các đơn vị cam kết sẽ tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và thực hiện cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Để tiến tới sản xuất an toàn thì các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường cần phải được triển khai nhân rộng. Theo đó, quy trình từ người sản xuất, thu mua, phân phối phải khép kín và được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì điều này mà hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tự chủ động được vùng nguyên liệu bằng cách thuê đất của người dân để hình thành nên trang trại của riêng mình. Các sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt trong trang trại đều được kiểm định, cấp giấy chứng nhận ATTP, sau đó được đóng gói và chuyển thẳng đến cửa hàng. Với chuỗi sản xuất như vậy, NTD có thể hoàn toàn đặt niềm tin vào những sản phẩm được cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, giá các sản phẩm sạch thường cao hơn từ 30 – 40% so với sản phẩm tương tự ngoài chợ.

 

Đáp ứng tiêu chí để “chinh phục” người tiêu dùng

 

Trong cuộc điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chủ trì thực hiện và công bố hồi cuối tháng 2 vừa qua, có tới 90% người tiêu dùng nhận định rằng sản phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn như ISO, VietGAP, GlobalGAP... sẽ giúp họ yên tâm hơn khi mua sử dụng. Cuộc khảo sát này còn chỉ ra yếu tố chất lượng và tính an toàn khi sử dụng là 02 tiêu chí được người tiêu dùng hiện nay quan tâm hơn cả. Điều này cho thấy, khi các doanh nghiệp muốn chinh phục người tiêu dùng Việt thì phải chú trọng đến việc áp dụng các chứng chỉ này để đưa vào quy chuẩn sản xuất hàng chất lượng trước khi đưa ra thị trường.

 

 

Sản phẩm rau sạch Vineco (Tập đoàn Vingroup) đáp ứng tiêu chuẩn VietGap.

 

Cũng liên quan đến việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín, hiện các địa phương đã hình thành 1.096 chuỗi với 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán hàng được kiểm soát theo chuỗi. Quy trình sản xuất này có sự tham gia của 100 hợp tác xã, 250 công ty… Tính đến tháng 11/2018, cũng đã có 63 tỉnh, thành triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất sạch từ trang trại đến bàn ăn.

 

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm đã tạo hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Sản phẩm sản xuất theo chuỗi có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, góp phần củng cố niềm tin nơi người tiêu dùng đối với nông sản Việt.

 

Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, công tác kết nối các khâu của chuỗi giữa doanh nghiệp sản xuất với các đơn vị kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được hợp đồng ổn định, lâu dài; chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Mặt khác, các cơ chế chính sách trong việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể, dẫn đến hạn chế khả năng đầu tư và phát triển của doanh nghiệp.

 

Vì thế, để chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn trở thành tập quán trong canh tác, cần xây dựng và phát triển chuỗi liên kết ngang, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để giảm đầu mối trung gian. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến thương mại thông qua xây dựng website, logo, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, kỹ năng tiếp cận thị trường. Để sản phẩm được lan tỏa đến người tiêu dùng, Nhà nước cần hỗ trợ phát triển các điểm bán sản phẩm an toàn theo chuỗi được chứng nhận để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và ủng hộ. Ngoài ra, đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp thông qua việc hình thành hợp tác xã kiểu mới gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ 4.0. Đồng thời, hướng tới sản xuất hàng hóa lớn tập trung, có chất lượng đồng đều, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ ổn định về số lượng và chất lượng. 

 

Việt Nam hiện có 2.600 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận VietGap và hơn 1.250 chuỗi thực phẩm an toàn sẽ được triển khai trong năm 2019, đây chính là cơ hội tốt cho người sản xuất, nuôi trồng và doanh nghiệp chế biến thực phẩm nông sản trong nước. Hy vọng vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng Việt.

 

Trường An

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang