Thứ Bẩy, 23/11/2024 02:01:18 GMT+7
Lượt xem: 1332

Tin đăng lúc 11-01-2021

[Xu hướng] Từ taxi bay đến ô tô bay

Nhu cầu đi lại của nhân loại ngày càng tăng mạnh. Quá trình phát triển xe bay trên thế giới đã được đầu tư trong những năm qua và trong tương lai sắp tới, những chiếc ô tô có thể bay lên khi đường phố tắc nghẽn giao thông.
[Xu hướng] Từ taxi bay đến ô tô bay
Một mẫu xe bay của Boeing

Ô tô có thể bay?

 

Năm 2012, Volkswagen ở Trung Quốc hỏi các khách hàng của hãng là họ muốn chiếc xe trong tương lai sẽ như thế nào. Xe biết bay là câu trả lời phổ biến nhất mà nhà sản xuất xe Đức nhận được. Sau đó, Volkswagen đề xuất ra chiếc xe hai chỗ ngồi di chuyển trên đệm từ trường, giống với loại tàu điện nối trung tâm Thượng Hải với sân bay Thượng Hải. Ông Luca de Meo - Giám đốc Tiếp thị của Volkswagen vào lúc đó giải thích: “Chúng tôi không chỉ đơn thuần là chế tạo xe cho khách hàng, mà là cùng với khách hàng chế tạo xe”. Tuy nhiên, đến nay xe bay của Volkswagen chưa thể xuất hiện.

 

Đầu năm 2020, hãng Toyota công bố khoản đầu tư đến 349 triệu USD vào Joby Aviation, một startup taxi bay của Mỹ. Theo dự án, Joby chịu trách nhiệm về cất cánh và hạ cánh thẳng đứng; Toyota chia sẻ kiến thức về sản xuất, kiểm soát chất lượng và chi phí để phát triển và sản xuất xe bay tương lai của Joby.


Đầu tư của Toyota chỉ là một phần trong tổng số vốn 590 triệu USD được Joby huy động cho cả dự án. Trước Toyota đã có các nhà đầu tư khác là Intel Capital, JetBlue Technology Ventures và Toyota AI Ventures. Sản phẩm taxi bay của Joby đã được thí điểm một thời gian. Đó là loại máy bay eVTOL với 5 chỗ ngồi cho tốc độ di chuyển khoảng 320km/giờ và pin có khả năng di chuyển 240km cho một lần sạc. Theo công ty, nó yên tĩnh hơn 100 lần so với máy bay thông thường khi cất cánh và hạ cánh, cũng như “gần như im lặng” khi bay trên không. Joby vẫn chưa thông tin chi tiết về nguyên mẫu và kế hoạch sản xuất eVTOL.

 

Nhưng Toyota không phải là nhà sản xuất ô tô duy nhất hướng mặt lên trời vì Hyundai (Hàn Quốc) cũng đang phát triển taxi bay với hãng công nghệ Mỹ Uber và đã thuê một kỹ sư NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) để điều hành bộ phận xe bay của Hyundai. Ngoài ra, tập đoàn ô tô Trung Quốc Geely (nơi đang sản xuất xe Volvo và Lotus) và Daimler đều đã đầu tư vào ý tưởng xe bay Volocopter.

 

Trong dự án của Hyundai và Uber, mẫu máy bay cá nhân PAV với 4 cánh quạt đã được trưng bày tại triển lãm công nghệ CES 2020 tại Mỹ tháng 1/2020. PAV có thể vận chuyển 5 hành khách, được thiết kế để cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, và trong hành trình thì bay như kiểu máy bay thương mại bình thường. Tốc độ bay tối đa là 290km/h và độ cao hành trình từ 300 - 600m. Máy bay sẽ sử dụng các cánh quạt nhỏ, chạy bằng điện và sẽ tạo ra ít tiếng ồn hơn so với trực thăng trang bị động cơ đốt trong.

 

Hyundai mô tả PAV là “sự giao thoa giữa máy bay trực thăng và ô tô”. Về mặt lý thuyết, việc phát triển đường hàng không sẽ giúp giảm tắc nghẽn đường bộ và “giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn”.

 

Huyndai cũng tiết lộ các trung tâm hạ cánh (PBV) cho các xe bay. PBV là một tòa nhà khối hình chữ nhật, sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để tìm các tuyến đường tối ưu và di chuyển hành khách đến nơi máy bay chờ sẵn. Mỗi PBV sẽ có thể phục vụ các chức năng khác nhau, chẳng hạn như quá cảnh, quán cà phê hoặc phòng khám y tế.

 

Tuy nhiên, Hyundai vẫn chưa thực hiện bất kỳ chuyến bay thử nghiệm nào, và họ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về quy định và kỹ thuật trong việc đưa dịch vụ taxi hàng không của họ lên khỏi mặt đất.

 

SkyDrive thử nghiệm thành công tại Nhật

 

Tháng 8/2020, báo chí thế giới đưa tin: Sau nhiều dự án ô tô bay thất bại trên thế giới, công ty SkyDrive của Nhật đã thực hiện thành công một chuyến bay thử nghiệm dù xe chỉ chở một người. Đoạn video trình chiếu cho báo chí ngày 28/8 cho thấy xe bay mang tên Cartivator chạy pin của SkyDrive trông như chiếc mô tô trơn bóng được lắp các cánh quạt hơn là ô tô. Trong thử nghiệm, xe được nâng lên khỏi mặt đất và bay lơ lửng trong một khu vực được che lưới trong 4 phút trong khu vực đường thử ô tô của Toyota.

 

Tomohiro Fukuzawa, người đứng đầu dự án của SkyDrive cho biết, ông hy vọng chiếc xe bay có thể được sản xuất thành một sản phẩm đời thực vào năm 2023, nhưng ông thừa nhận còn nhiều việc phải làm liên quan đến yếu tố an toàn. Ông Fukuzawa giải thích: “Trong số hơn 100 dự án xe bay trên thế giới, chỉ một số ít thành công với một người ngồi trên đó. Tôi hy vọng nhiều người sẽ muốn sử dụng vì cảm thấy an toàn. Đến nay, nó chỉ có thể bay 5 - 10 phút. Nếu lên được 30 phút, thiết bị sẽ có nhiều tiềm năng hơn, bao gồm cả những dự định xuất khẩu sang những thị trường như Trung Quốc.

 

Dự án SkyDrive cũng nhận được tài trợ từ Toyota bên cạnh những cái tên khác như công ty điện tử Panasonic và nhà phát triển trò chơi điện tử Bandai Namco. Cách đây 3 năm, SkyDrive đã thực hiện một chuyến bay trình diễn khác nhưng kết quả được xem là gây thất vọng. Dự án tiếp tục nghiên cứu và thành công trong thử nghiệm tháng 8/2020.

 

Tuy nhiên, chiếc xe bay chỉ được thiết kế với bộ hạ cánh cố định nên không thể lái trên đường cao tốc như xe. Nói một cách chính xác, nó chỉ có thể hoàn thành chuyến bay thẳng từ điểm xuất phát đến điểm đích.

 

Cũng từ chuyến bay thử nghiệm thành công của SkyDrive, các chuyên gia nhận định thêm: Kích thước pin trên xe, kiểm soát không lưu và các vấn đề cơ sở hạ tầng khác là những thách thức tiềm tàng khác nếu muốn thương mại hóa thành công sản phẩm xe bay này.

 

Chính phủ Nhật Bản có quan điểm ủng hộ việc triển khai phương tiện bay tư nhân trên bầu trời các thành phố lớn của đất nước với lộ trình cho dịch vụ kinh doanh vào năm 2023 và mở rộng sử dụng thương mại vào những năm 2030. Loại phương tiện này được đánh giá có tiềm năng kết nối các vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ khi xảy ra thảm họa.

 

Tóm lại, vẫn còn hơi sớm để biết rằng giấc mơ xe bay của nhân loại sẽ thành hiện thực phổ biến ở nước nào trước tiên. Tuy nhiên, cũng có thể hy vọng câu trả lời là của Nhật Bản, một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới hiện nay.

 

Với nhân loại, ý tưởng xe biết bay đã là đề tài hấp dẫn trong nhiều thập niên, đã xuất hiện trong các truyện tranh, truyện khoa học giả tưởng và phim ảnh. Từ ý tưởng, đã có nhiều dự án ra đời nhằm giải quyết vấn đề: Đó là một chiếc xe thật sự trên đường nhưng có sẵn những bộ phận để xe có thể bay lên với người ngồi bên trong.

 

Theo Kinhtedothi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang