Quyết liệt từ Trung ương
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, ngày 01/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ.
Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 15/3 đến tháng 9/2017 với mục tiêu đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ trong việc duy trì và thực hiện các điều kiện sản xuất phân bón theo quy định của pháp luật.
Qua kết quả công tác kiểm tra sẽ giúp đánh giá tình hình thực thi các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất phân bón vô cơ, phát hiện những bất cập trong công tác quản lý phân bón nói chung, phân vô cơ nói riêng để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý phân bón. Đồng thời, qua công tác kiểm tra nhằm biểu dương nhân tố tích cực, chấn chỉnh các yếu kém, sai sót và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, gia công phân bón vô cơ.
Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) được giao chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương, Cục Hóa chất, Thanh tra Bộ, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế, các Chi cục QLTT tập trung kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, trong đó, với các doanh nghiệp đã được cấp phép sản xuất phân bón vô cơ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc duy trì các điều kiện sản xuất theo quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, Nghị định số 77/2016/NĐ-CP và Thông tư số 29/2014/TT-BCT; kiểm tra nguyên liệu đầu vào, chủng loại, bao bì, nhãn mác, đối chiếu với Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đã được cấp; kiểm tra chất lượng sản phẩm thông qua việc lấy mẫu để giám định.
Đặc biệt, phải đẩy mạnh công tác nắm bắt, phát hiện, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất trái phép, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ để kiểm tra tư cách pháp nhân, địa điểm sản xuất, máy thiết bị, nguyên liệu, thành phẩm, kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ thông qua việc lấy mẫu để giám định (trong trường hợp phát hiện có thành phẩm tại cơ sở sản xuất).
Đối với các doanh nghiệp thuê gia công phân bón vô cơ, sẽ tiến hành kiểm tra trách nhiệm của bên thuê sản xuất trong kiểm tra, giám sát việc sản xuất tại nơi nhận thuê sản xuất; kiểm tra chủng loại, nguồn gốc, nơi sản xuất sản phẩm phân bón, đối chiếu với Giấy phép thuê sản xuất phân bón; kiểm tra chất lượng phân bón thông qua việc lấy mẫu để giám định; Phát hiện, kiểm tra doanh nghiệp sản xuất trái phép, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thuê sản xuất phân bón vô cơ: Kiểm tra tư cách pháp nhân, địa điểm trụ sở chính, địa điểm thuê sản xuất, kiểm tra chất lượng phân vô cơ thông qua việc lấy mẫu để giám định (trong trường hợp phát hiện có thành phẩm tại trụ sở chính hoặc cơ sở thuê sản xuất).
Kiểm tra hàng trăm doanh nghiệp - Xử lý nghiêm sai phạm
Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục QLTT đã phối hợp với các cục, vụ, các sở Công Thương và Chi cục QLTT các địa phương triển khai nghiêm túc đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ. Cụ thể, Cục QLTT đã có các văn bản chỉ đạo các Chi cục QLTT thiết lập cơ sở dữ liệu của các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón để phục vụ công tác kiểm tra xử lý vi phạm trên địa bàn; tập trung triển khai thực hiện đợt kiểm tra thứ nhất từ ngày 15/3 đến ngày 15/4/2017 đối với doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ đã được cấp phép trên địa bàn.
Cục QLTT đã làm việc với Chi cục QLTT một số địa phương, như: Bắc Ninh, Hà Nội, Thành Hóa, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An để đôn đốc việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ.
"Đến nay, các Chi cục QLTT đã xây dựng Kế hoạch đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ và đang triển khai thực hiện nghiêm túc" - ông Nguyễn Trọng Tín nói và cho biết, về kết quả kiểm tra, xử lý, ngày 15/3, Cục QLTT trực tiếp cùng các Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tổ chức kiểm tra 6 doanh nghiệp sản xuất phân bón trên địa bàn, gồm: Chi nhánh Công ty cổ phần cây trồng Bình Chánh; Công ty TNHH Thiện Nhân; Công ty TNHH hỗ trợ phát triển nông nghiệp Thăng Long; Cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón thuộc Công ty hóa sinh và phát triển công nghệ mới Vihitesco; Công ty CP đầu tư thương mại Bình Nguyên và Công ty TNHH AMF Thiên Bình. Đoàn kiểm tra lấy 7 mẫu phân bón giám định chất lượng và đang chờ kết quả giám định để xử lý.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Trọng Tín, bên cạnh việc tổ chức kiểm tra theo kế hoạch, vừa qua Cục QLTT đã phối hợp với Cục Hoá chất và Chi cục QLTT địa phương (Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội...) tổ chức kiểm tra đột xuất, xác định các hành vi và sẽ xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.
Còn theo báo cáo nhanh của Chi cục QLTT các địa phương, đến nay, lực lượng này đã kiểm tra 255 doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón và xử lý 117 vụ vi phạm. Xử phạt vi phạm hành chính là gần 850 triệu đồng. Tịch thu 7.250 kg, 920 bao, 720 chai, 153 gói phân bón các loại.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm niêm yết giá, sản xuất phân bón khi chưa có cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép và không thực hiện công bố hợp quy trong sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, để phân bón tiếp xúc với nền nhà mặt đất tại địa điểm kinh doanh...
Tiếp tục triển khai đợt cao điểm, trong thời gian tới, Cục QLTT sẽ tiếp tục làm việc với một số Chi cục QLTT thuộc địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, đôn đốc các Chi cục để tăng cường kiểm tra, lấy mẫu phân bón để giám định nhằm xử lý nghiêm các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Nguồn Báo Công Thương