Thứ Tư, 27/11/2024 09:52:44 GMT+7
Lượt xem: 1728

Tin đăng lúc 30-12-2016

Xuất khẩu 2017: Trông chờ "cú lội ngược dòng"

2016 là năm của hội nhập - cơ hội rất lớn để Việt Nam đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu. Song đáng tiếc là xuất khẩu năm 2016 đã không đạt được kỳ vọng tăng trưởng 10%. Vì vậy, bước sang 2017, chúng ta rất trông chờ vào sự “chuyển mình” của xuất khẩu, bắt đầu từ việc tận dụng cơ hội từ hội nhập.
Xuất khẩu 2017: Trông chờ "cú lội ngược dòng"
Xuất khẩu dệt may - điểm đáng tiếc trong năm 2016

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 12/2016 ước đạt 32,3 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước.

 

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16,3 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2016 ước tính thâm hụt 300 triệu USD, bằng 1,9% kim ngạch xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, với kết quả ước tính trên của tháng 12, cả năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 349,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015.

 

Gam màu tối “đeo đuổi”

 

Đánh giá về hoạt động xuất khẩu năm 2016, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng, năm 2016 không có những biến động lớn về xuất nhập khẩu, trong một số ngành hàng có thể có nhưng nhìn chung diễn biến đều tốt và đóng góp vào sự duy trì ổn định của các chỉ số.

 

Mức tăng trưởng của hiện nay ở cả xuất nhập khẩu vào khoảng 7%, đây là con số tăng trưởng rất lớn nếu đặt trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới hiện nay đang suy giảm.

 

Đáng chú ý, về tình hình xuất khẩu mặt hàng nông sản trong năm 2016, ông Hải cho biết, năm nay là một năm thuận lợi đối với ngành hàng cà phê Việt Nam và hồ tiêu khi hồ tiêu vẫn duy trì được ở vị thế dẫn đầu. Bên cạnh đó, các mặt hàng mới như rau quả cũng đang tiệm cận đến con số 2 tỷ USD.

 

Các mặt hàng truyền thống như thủy sản cũng có khó khăn ở những thị trường nhất định do các hàng rào về kỹ thuật như dư lượng thuốc kháng sinh trên thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc các hàng rào về phòng vệ thương mại ở một số quốc gia khác, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ở mức tương đối ổn định.

 

Ts. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Bộ Công Thương, nhận định, tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 không cao nhưng có dấu hiệu tốt. Cụ thể, năm 2016, nhiều mặt hàng không nghĩ đẩy nhanh được tỷ trọng xuất khẩu như rau quả thì kim ngạch xuất khẩu đã vượt qua lúa gạo. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận.

 

Tuy nhiên, trong năm 2016, cũng còn nhiều mặt hàng mà thành tích xuất khẩu bị sụt giảm nghiêm trọng, trong đó phải kể tới mặt hàng gạo. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, một trong những nguyên nhân chủ quan là vì chất lượng gạo chưa cao và đặc biệt là chưa có thương hiệu.

 

Cùng với gạo, xuất khẩu dệt may cũng là điểm đáng tiếc trong năm 2016, mặc dù đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu dệt may từ mức 31 tỷ USD xuống còn 29 tỷ USD, nhưng đến thời điểm hiện tại, mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may vẫn chưa thể hoàn thành. Năm 2016 dự kiến đạt 28,023 tỷ USD, còn thiếu khoảng 1 tỷ USD so với mục tiêu đề ra.

 

Về định hướng xuất khẩu năm 2017, Bộ Công Thương khẳng định rằng các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, DN sẽ đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các biện pháp mang tính chất trung hạn và dài hạn để xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản có những giải pháp căn cơ, lâu dài, giữ được ổn định và không phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố thiên nhiên và các yếu tố bên ngoài.

 

Theo Bộ Công Thương, năm 2017, trong khi chờ TPP được ký kết và đợi phê chuẩn, chúng ta cũng sẽ được thấy một số hiệp định mới. Tuy nhiên hiện nay, nguy cơ Hoa Kỳ sẽ không tham gia hiệp định TPP là khá lớn.

 

Bên cạnh TPP, chúng ta cũng đã ký kết một số hiệp định khác như là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU hay Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).

 

Đây là những hiệp định thương mại có tính chất rất quan trọng tương đương TPP, vì thế, chúng ta cũng phải có một sự chuẩn bị để điều chỉnh hoặc tận dụng các lợi ích của các hiệp định mang lại.

 

“Chữa bệnh” cho xuất khẩu

 

Đặc biệt để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, ông Hải cho rằng, bên cạnh việc mở rộng thị trường, cũng phải chú trọng việc điều chỉnh các ngành hàng. Hoạt động xuất khẩu không chỉ nhắm đến việc chiếm lĩnh các thị trường mà phải chiếm lĩnh được các ngành hàng có lợi thế trên bản đồ thế giới.

 

Ông Hải nhấn mạnh: “Chúng ta cần nắm lấy những khâu trong thương mại quốc tế sẽ đem lại giá trị lớn như khâu phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm, đây là những khâu cuối, ở phía hạ nguồn. Còn những khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, sản xuất cũng đem lại giá trị nhưng thường khá thấp”.

 

Để đạt được những mong muốn trên, các chuyên gia cho rằng cần phải chữa được “căn bệnh” của xuất khẩu hiện nay, đó là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường như Trung Quốc, phụ thuộc vào DN FDI, trong khi đa số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều xuất thô và dưới thương hiệu của nước ngoài.

 

Thống kê cho thấy, hiện mới chỉ có khoảng 15% trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam là của các DN trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.

 

Tương tự, ở trong nước, cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Hầu hết các hàng hóa nông sản loại này, nhất là hàng hóa dạng thô, đều không có thương hiệu. Chẳng hạn như gạo của Việt Nam xuất khẩu luôn đứng top đầu thế giới về khối lượng, nhưng đều được nước ngoài nhập khẩu, chế biến lại, đóng bao bì và bán dưới tên thương hiệu khác.

 

Việt Nam tự hào là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về nguyên liệu cà phê, song 1 kg cà phê thô Việt Nam bán được 2 USD, nhưng khi Starbucks mua về và xử lý, dán nhãn mác của thương hiệu này vào, thì tạo ra lợi nhuận đến hơn 100 lần, lên tới 200 USD. Nhìn lại con số xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Tính đến hết ngày 15/12/2016 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 167,83 tỷ USD, tăng 8,5% (tương ứng tăng hơn 13,11 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 117,99 tỷ USD, tăng 11,5%, tương ứng tăng hơn 12,17 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm đến 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang