Tiêu dùng xanh, bền vững "lên ngôi"
Ngày 12-10, Thương vụ Việt Nam tại Canada thông báo từ tháng 12-2022, Canada cấm sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần. Từ tháng 6-2023, Canada cấm nhập khẩu các sản phẩm đồ uống có ống hút, tay xách nhựa và sẽ cấm hoàn toàn các sản phẩm này từ tháng 6-2024. Mốc thời gian cấm sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa khác cũng sẽ được công bố. Với mức tăng trưởng xuất khẩu tới Canada rất cao, đây là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ chặt chẽ. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ban hành chương trình phối hợp kiểm soát việc tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa và mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Theo Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Hoàng Thúy, với quy định này, các quốc gia thành viên EU sẽ lấy và phân tích mẫu ngẫu nhiên sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật. Tương tự, một số nước không thuộc EU cũng tăng cường kiểm tra theo quy định này. Ngoài kiểm tra tại cửa khẩu, cơ quan an toàn thực phẩm của các nước EU còn lấy mẫu kiểm tra trên thị trường. Với hàng dệt may, EU hướng tới mục tiêu đến năm 2030 các sản phẩm đưa vào thị trường có tuổi thọ cao, có thể tái chế, không chứa chất độc hại, được sản xuất theo các quyền của xã hội và môi trường…
Tại các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… tiêu dùng xanh, bền vững cũng "lên ngôi" khi chú trọng yêu cầu thân thiện môi trường, an toàn thực phẩm. Đơn cử như nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc, cần bảo đảm các yêu cầu về chỉ tiêu an toàn thực phẩm, nhãn hiệu, đóng gói, truy xuất nguồn gốc... Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều luật và quy định quản lý chất lượng nông, thủy sản, thực phẩm nhập khẩu, chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Còn người Nhật Bản quan tâm nhất đến chất lượng thực phẩm, yếu tố tác động đến sức khỏe, giá thành và sự tiện lợi của sản phẩm.
Thay đổi để sản xuất, xuất khẩu bền vững
Trước xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững hơn, nhất là tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản…, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi, bắt kịp nhu cầu để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh thông tin, doanh nghiệp cần lưu ý trên bao bì sản phẩm phải có thông tin về thành phần dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản... Thực tế cho thấy, để vào được thị trường Nhật Bản, gạo Việt Nam phải đạt nhiều thông số về: Đất trồng, giống lúa, sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tương tự Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn; sáng tạo mẫu mã và mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài bảo đảm tính cạnh tranh về giá và nguồn cung hàng ổn định, doanh nghiệp cần xây dựng các giá trị về môi trường, tính nhân văn và thương mại công bằng trong kinh doanh.
Đối với các nước châu Âu, nhất là thị trường Bắc Âu, vấn đề bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh và xu hướng chuyển sang sản xuất bền vững đang là chủ đề "nóng". Do đó, theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Hoàng Thúy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc cũng như yêu cầu bổ sung để đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của đối tác. “Hiện, thương vụ đã xây dựng trang web riêng về thị trường Bắc Âu để tương tác trực tiếp và cung cấp thông tin hằng ngày, giúp doanh nghiệp cập nhật xu thế thị trường”, bà Nguyễn Hoàng Thúy nói.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tiến trình xanh hóa là mục tiêu mà ngành đã đưa ra từ 5 năm qua. Hầu hết doanh nghiệp thuộc ngành may, sợi, dệt, nhuộm… đã đạt các chuẩn mực trong Luật Môi trường Việt Nam cũng như đánh giá của khách hàng. Để sản xuất và xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp dệt may tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn. Ngoài ra, doanh nghiệp hướng tới tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo.
Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành mới đây nhấn mạnh yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang cho biết, chiến lược đặc biệt coi trọng vấn đề sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Ngoài ra, chiến lược cũng chú trọng đến những xu hướng mới trong kinh tế - thương mại quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Đây sẽ là trọng tâm phát triển xuất, nhập khẩu trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Hanoimoi