Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng các Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra cần nâng cao chất lượng sản phẩm, ghi nhãn và công khai chất lượng sản phẩm trên bao bì, đồng thời phát huy tối đa lợi ích các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển cá tra cho mục tiêu giảm giá thành sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.
Xuất khẩu cá tra sang châu Âu sụt giảm
Việc xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu suy giảm trong thời gian gần đây, bên cạnh các yếu tố khách quan như đồng EUR hạ thấp kỷ lục so với đồng USD, kinh tế châu Âu khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì nguyên nhân chính là bị ảnh hưởng do sự cạnh tranh quyết liệt của DN các nước khác.
Cùng với đó, các sản phẩm cá tra của Việt Nam còn đơn điệu, chưa đa dạng chủng loại dẫn đến không gây hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng.
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này được lý giải là do những yếu kém nội tại của ngành cá tra Việt Nam như công nghệ chế biến lạc hậu, sản phẩm xuất đi chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế; truyền thông, tiếp thị sản phẩm còn yếu,…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cá tra Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển bền vững tại thị trường châu Âu nếu như khắc phục được những điểm yếu thực tại nói trên. Các chuyên gia thuộc Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) cho biết, người tiêu dùng châu Âu vẫn ưa chuộng cá tra do dinh dưỡng cao, thơm ngon, không có xương ngang, dễ chế biến và giá bán phù hợp.
Tăng cường“kéo” thị trường và “đẩy” DN
Chuyên gia Lê Xuân Thịnh đến từ Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), cơ quan điều phối chương trình SWITCH-Asia nhằm phát triển Dự án SUPA cho rằng, cần phải tăng cường “kéo” thị trường và “đẩy” DN.
Ông Thịnh lý giải, “kéo” thị trường ở đây tức là việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, marketing, phát triển trung tâm thông tin và quảng bá thủy sản Việt Nam ở nước ngoài.
Còn “đẩy” DN là các DN cần phải nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; cắt giảm chi phí giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất, áp dụng công nghệ mới. Ghi nhãn và công khai minh bạch chất lượng sản phẩm trên bao bì. Đồng thời phát huy tối đa lợi ích các chương trình, dự án hỗ trợ cho mục tiêu giảm giá thành sản xuất, hướng tới phát triển bền vững..
Ông Thịnh cho biết, thời gian qua, Dự án SUPA đã hỗ trợ rất tích cực trong việc “kéo” thị trường và “ đẩy” DN.
Cụ thể, Dự án SUPA đã có những báo cáo thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam ở các nước châu Âu, đồng thời, làm việc với các nhà bán lẻ, nhập khẩu và phân phối của châu Âu để tìm hiểu nhu cầu và quảng bá cá tra Việt Nam; hỗ trợ 12 DN tham dự Hội chợ thủy sản Brussels trong 2 năm 2014 và 2015.
Dự án SUPA cũng nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật cho vùng nuôi, tập huấn, chuyển giao công nghệ cho hơn 200 hộ ở An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Bên cạnh đó, cũng lựa chọn 54 DN chế biến để đánh giá chi tiết, qua đó, hỗ trợ đổi mới và phát triển sản phẩm bền vững.
Góp ý về việc “kéo” thị trường, ông Alfons Van Duijvenbode đến từ Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI Hà Lan) cho rằng, muốn tăng niềm tin của người tiêu dùng tại châu Âu về các món ăn từ cá tra, các DN Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược tuyên truyền marketing, với nhiều hình thức khác nhau.
Các DN phải phát triển những giá trị thương hiệu và xác nhận giá trị cá tra như một món ăn lý tưởng, dễ chế biến, là sự lựa chọn lành mạnh và có trách nhiệm, là món nên ăn hàng ngày.
Bên cạnh đó, việc hợp tác với các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường châu Âu, đảm bảo sự minh bạch và uy tín cũng là những yếu tố giúp DN xuất khẩu cá tra mở rộng thị phần.
Nguồn: Chinhphu.vn