Năm 2019 nông nghiệp nước ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, theo đó ước tính tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 54%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,85%.
Các địa phương chuyển đổi khoảng 100.000 ha lúa có khả năng bị hạn, thiếu nước tưới chuyển sang cây trồng khác, cùng với chuyển đổi diện tích lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng, nuôi trồng thủy sản có thu nhập cao hơn. Tập trung kiểm soát, nâng tỷ lệ giống lúa chất lượng, giá trị cao chiếm trên 80% lượng gạo xuất khẩu, vì vậy đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm nay.
Ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng năng suất, sản lượng, giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt” từng bước khẳng định uy tín trên trường quốc tế như: Gạo hữu cơ Quảng Trị; gạo ST25 đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”…
Mở rộng thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...), năm 2019 đã có 393.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, trong đó quả gần 22.700 ha; rau 6.000 ha; lúa 5.300 ha; chè 5.100 ha; cà phê 101 ha; cây khác 105 ha.
Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10 - 15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với năm 2018, riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%.
Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều). Các đơn vị tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông; xuất khẩu mật ong đi EU, Hoa Kỳ. Lô sữa đầu tiên đã được xuất vào Trung Quốc trong tháng 10/2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông (Trung Quốc) để xuất khẩu thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ hầu hết ở mức 0%; Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2019 ngành nông nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, dịch tả lợn châu Phi thiệt hại chưa từng có cho ngành chăn nuôi, chiến tranh thương mại có những tác động đến thị trường tiêu thụ nông sản, sản phẩm nông lâm thuỷ sản xuất khẩu gặp phải những “rào cản” tiêu chuẩn mới được áp dụng.
“Năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực. Ngành tiếp tục đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP là 2,8-3%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trên 42 tỷ USD, thành lập mới 2.000 hợp tác xã… hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế. Ngành nông nghiệp hướng tới nhiều sản phẩm tỷ USD xuất khẩu” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói./.
Theo VOV