Hầu hết các ngành hàng xuất khẩu (XK) từ công nghiệp tới nông nghiệp đều có tình cảnh chung là phụ thuộc nguyên liệu ngoại. Trong thời gian tới, khi hai hiệp định thương mại tự do lớn nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, đây sẽ điểm bất lợi cho Việt Nam trong việc tận dụng ưu đãi thuế quan.
Nhập nguyên liệu tới 70-90%
Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, các ngành công nghiệp chủ đạo phục vụ XK như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, nhựa tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu nhờ nguyên liệu nhập khẩu (NK), lên tới 70-90%.
Cụ thể, dù phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ được biết như là một ngành kinh tế-kỹ thuật về gia công chất dẻo, trong khi không chủ động được hoàn toàn nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất.
Ngành nhựa hiện nay mới chỉ chủ động được khoảng 20-25% nguyên liệu cũng như hóa chất phụ gia đầu vào, còn lại phải NK khiến cho hoạt động sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu và các sản phẩm từ nước ngoài. Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào khiến doanh nghiệp (DN) XK khó tận dụng được ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, cho biết EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ đem tới cơ hội khá lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhưng các DN có khai thác được 100% cơ hội này hay không lại là vấn đề khác.
Hiện nay, thách thức của ngành dệt may là xuất xứ nguyên phụ liệu, dù EVFTA chỉ yêu cầu đảm bảo nguồn gốc xuất xứ từ vải chứ không phải từ sợi như CPTPP. Tuy nhiên, đến nay, ngành dệt may Việt Nam mới chỉ cung cấp được khoảng 30% nguyên liệu vải nội địa, phần lớn vẫn phụ thuộc vào NK từ nhiều thị trường ngoài EU.
Không riêng các ngành công nghiệp lệ thuộc nguyên liệu ngoại mà các ngành nông nghiệp - lâu nay vốn là thế mạnh của Việt Nam - cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Những năm qua, ngành điều luôn tự hào là "vua" trên thị trường điều nhân thế giới nhưng hiện nay, các DN trong ngành này đang lao đao. Nguyên nhân là do số lượng DN tăng mạnh trong khi nguyên liệu trong nước ít, phải tăng NK điều thô giá cao để phục vụ sản xuất. Hiện, các DN đang cần hỗ trợ vay 800 triệu USD để NK nguyên liệu.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), thừa nhận 80% nguyên liệu phục vụ chế biến ngành điều phụ thuộc NK.
Tương tự với ngành gỗ, Báo cáo "Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ" của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho thấy, năm 2017, các DN tại Việt Nam phải bỏ ra trên 2,1 tỷ USD để NK các mặt hàng thuộc nhóm gỗ và sản phẩm gỗ, tương đương với 28,4% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ. Kim ngạch NK năm 2017 tăng khoảng 345 triệu USD, tương đương tăng 18,8% so với năm 2016.
Thậm chí, tốc độ tăng trưởng về kim ngạch NK gỗ và sản phẩm gỗ còn lớn hơn tốc độ tăng trưởng về kim ngạch XK các mặt hàng này (12,6% giai đoạn 2016-2017). Điều đó có nghĩa nếu NK và XK duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, cán cân thặng dư thương mại của ngành có thể giảm trong tương lai.
Cùng với đó, tính không ổn định về chính sách và thực thi chính sách từ các quốc gia mà Việt Nam NK có thể tiềm ẩn những rủi ro pháp lý.
Cần ưu đãi nguồn nguyên liệu
Tác động ngay trước mắt là giá USD trong nước mới đây "leo thang". Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Vifores, cho biết giá USD tăng đang tác động tới doanh thu của ngành gỗ, tỷ suất lợi nhuận của DN sẽ giảm đi.
"Giá USD tăng thì giá nguyên liệu tăng, trong khi giá bán sản phẩm không tăng khiến DN rơi vào tình cảnh rất khó khăn", ông Quyền chia sẻ.
Để đối phó, nhiều DN ngành gỗ tính cách liên kết với nhau cùng đặt một đơn hàng NK với số lượng lớn nhằm tiết kiệm chi phí, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp trước mắt.
Theo kết quả điều tra, nghiên cứu thực trạng chi phí kinh doanh năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giá thành nguyên liệu biến động tăng không chỉ gây áp lực về tài chính mà nhiều DN Việt Nam còn phải gặp thêm rủi ro khác trong quá trình NK là rất khó kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho chi phí nguyên liệu trong giá thành sản xuất còn cao, chất lượng sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế của hàng hóa cũng như của DN Việt Nam rất hạn chế.
Vì vậy, VCCI khuyến nghị Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi mạnh hơn nhằm khuyến khích phát triển các vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện, lợi thế, nhất là đối với các ngành sản xuất mà tiềm năng, lợi thế trong nước có thể chủ động phát triển nguồn nguyên liệu thông qua việc hỗ trợ mạnh mẽ hơn công tác quy hoạch, ưu đãi về đất đai, lãi suất vay vốn cho các DN đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất nguyên liệu và các mặt hàng thay thế NK.
Đồng thời, DN cần hướng nội sử dụng nguồn nguyên liệu, có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để từng bước giảm phụ thuộc vào bên ngoài, qua đó giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.
Đi sâu cụ thể vào từng ngành, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), sắp tới Nhà nước và DN cần phối hợp nâng cao năng suất, mở rộng diện tích trồng điều, cùng với đó, nghiên cứu đầu tư trồng điều ở các nước có điều kiện thuận lợi, giá thành rẻ tại châu Phi để NK trở lại; tăng diện tích rừng trồng, chuyển từ cây gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn; phát triển sản xuất giống thủy sản (đặc biệt là cá tra và tôm)…
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Đức Thanh chia sẻ ngành điều cần một bộ giống mới, năng suất cao để giúp nông dân tránh được hiện tượng mưa trái mùa, biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất giữa DN chế biến và người trồng điều theo chuỗi khép kín.
Ông Phạm Xuân Hồng kiến nghị để khai thác và chiếm lĩnh thị trường tốt hơn, Nhà nước cần có chính sách thu hút hỗ trợ các DN đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu. DN phải cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm, mẫu mã, bao bì như quy định mà các hiệp định thương mại tự do đưa ra.
"Chúng ta phải làm triệt để, triển khai nhiều giải pháp chứ không cơ hội trôi qua sẽ rất uổng. Mình được cắt giảm thuế mà thua các nước khác thì rất buồn", ông Hồng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết phát triển nguồn gỗ trong nước của Việt Nam chủ yếu dựa vào gỗ tự trồng nhưng chất lượng gỗ kém, đưa vào XK chỉ được 15%. Thời gian tới, ngành gỗ chỉ trông chờ vào nguồn gỗ cao su; gỗ vườn nhà như cây nhãn, cây mít, cây điều…, đó chỉ là giải pháp tình thế.
Còn về lâu dài, rừng trồng trong nước phải tạo ra cây gỗ chất lượng. Đồng thời, Nhà nước cần phải có các quy định cụ thể để giúp DN biết gỗ nào là gỗ hợp pháp, tránh tình trạng bị nước sở tại tuýt còi vì mua phải gỗ nguyên liệu bất hợp pháp.
Theo Thời báo kinh doanh