Đóng góp vào mục tiêu chung đề ra cho năm 2021 của ngành nông sản, mới đây, UBND TP Cần Thơ công bố xuất khẩu lô gạo đầu tiên năm 2021 đạt 1.600 tấn gồm hai loại gạo thơm Jasmine 85 và Hương Lài được xuất sang Singapore và Malaysia do Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An thực hiện.
Cùng với đó, Công ty Trung An còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn chuẩn bị được xuất sang CHLB Đức, tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Ngoài ra các doanh nghiệp Việt cũng đã xuất khẩu hơn 100.000 tấn gạo đi nhiều thị trường quốc tế.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu năm 2021, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2021, chúng ta sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng trong việc xuất khẩu lúa gạo do doanh nghiệp trong nước đã nắm bắt kỹ hơn nhu cầu tiêu thụ của những thị trường lớn.
Không chỉ có gạo, ngay từ đầu tháng 1/2021 nhiều mặt hàng thủy sản, trái cây của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia và Trung Quốc.
Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu MTV Nam Phong là đơn vị xuất khẩu nông sản xuất tiên phong đầu tiên, với gần 140 tấn thanh Long giá trị xấp xỉ 1,9 tỷ đồng sang thị trường Trung Quốc; Công ty TNHH Nông sản Hùng Sư xuất khẩu 27,5 tấn dưa lê trị giá 120 triệu đồng.
Đây là những động thái của ngành nông nghiệp khẳng định quyết tâm tăng tốc ngay từ đầu năm nhằm hướng đến mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kỳ vọng đặt ra cho toàn ngành khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2020.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia nông nghiệp nhận định, trong năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn là “bệ đỡ” cho nền kinh tế vừa đảm bảo được an ninh lương thực, đồng thời vẫn cung cấp nguyên liệu cho nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản… đang đẩy mạnh đặt hàng tại Việt Nam, cùng với đó, khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, thì chúng ta sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T cho biết, lợi thế về thuế đã tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh ở thị trường lớn và thuận lợi cho việc đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu.
Điển hình như trong Hiệp định RCEP, hiện thị trường Trung Quốc chỉ cho phép 10 mặt hàng rau quả tươi xuất khẩu chính ngạch, thì sắp tới, có thể sẽ được mở rộng thêm các mặt hàng tươi sống khác như sầu riêng, chanh dây, bưởi, bơ, vú sữa, roi…Nhưng, các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, dù đã đàm phán xuất khẩu từ lâu, nhưng mới chỉ có ít loại nông sản tươi được xuất khẩu. Với RCEP, việc đàm phán cho các loại nông sản, trái cây mới có thể nhanh hơn và thuận lợi hơn.
Các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm đến phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ
Tuy nhiên, thời gian tới, để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ EVFTA, các doanh nghiệp sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì Hiệp định EVFTA đã đi vào thực thi từ tháng 8/2020, song kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU vẫn chưa có nhiều bước tiến rõ rệt.
Để thực hiện tốt mục tiêu cho năm 2021, đạt chỉ tiêu để xuất khẩu nông sản lên 44 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, Bộ đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm đến phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch, vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường. Cần tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng, việc làm và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan nhờ các FTA hiện nay đối với các mặt hàng nông sản. Đồng thời, ngành nông nghiệp cần có chiến lược xây dựng tốt vùng liên kết sản xuất, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như xây dựng thương hiệu nhằm mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu.
Theo Enternews.vn