Kịch bàn có thể xảy ra là không có TPP và Chính quyền Trump áp đặt chế độ giám sát và áp thuế chống bán phá giá trên hàng dệt may nhập khẩu từ các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Lường trước khó khăn
Giao dịch thương mại giữa các nước châu Á với Hoa Kỳ trong thời gian tới có những thay đổi nằm ngoài mong muốn. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó chủ lực là hàng dệt may và da giày Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể bị tác động mạnh”.
Đó là nhận định của ông Lê Quốc Ân, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) khi nói về những kịch bản của dệt may Việt Nam dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Năm 2016 có thể coi là một năm trầm buồn với ngành dệt may, khi tăng trưởng xuất khẩu tụt dốc mạnh chỉ còn 4%, tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Không chỉ tăng thấp tại EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà Hoa Kỳ, thị trường quyết định khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cũng giảm thê thảm, với mức tăng chưa đầy 5%.
Do tình hình dệt may toàn cầu đều suy giảm, kim ngạch xuất khẩu của dệt may tăng trưởng chậm hơn các năm trước, chỉ đạt khoảng 28,3 tỷ USD, tăng trưởng xấp xỉ 5%, tăng gần 1,5 tỷ USD so với năm 2015.
Những biểu hiện khó của xuất khẩu dệt may trong năm 2016 thực sự tạo thêm mối lo ngại cho tương lai của năm 2017, khi dệt may tiếp tục là ngành đóng góp lớn cho xuất khẩu. Chỉ cần một thị trường chủ lực tăng thấp, sẽ ngay lập tức gây hệ lụy cho tăng trưởng.
Bởi vậy, triển vọng phát triển của dệt may Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới khi mà thị trường Hoa Kỳ đang chiếm tỷ trọng trên 40% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của ngành này?
Là Chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dệt may, ông Ân cho rằng, ngành dệt may Việt Nam cần rà soát lại chiến lược phát triển của mình trên cơ sở phù hợp với những biến động của thị trường trong thời gian tới, trong đó, ông Ân lưu ý 3 “kịch bản” có thể xảy ra.
Khả năng Một vẫn còn TPP, nhưng thời gian và nội hàm của nó sẽ được điều chỉnh thay đổi theo hướng tăng điều kiện hội nhập khu vực so với thời những gì đã kỳ kết.
Triển vọng lợi ích từ TPP mang đến cho ngành dệt may Việt Nam sẽ giảm. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ sẽ giảm ít nhất 50% so với những gì đã được tính toán trước đây khi có TPP.
Khả năng thứ hai là không có TPP và xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ vẫn còn tuân thủ theo luật WTO như hiện nay. Trong trường hợp này, tăng trưởng xuất khẩu sẽ lệ thuộc vào tình hình kinh tế Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Khả năng Ba là không có TPP và Chính quyền Trump áp đặt chế độ giám sát và áp thuế chống bán phá giá trên hàng dệt may nhập khẩu từ các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.
“Trong điều kiện này chắc chắn xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ chẳng những không có tăng trưởng mà còn bị suy giảm như thời kỳ 2008-2009 khi bị phía Hoa Kỳ áp dụng chế độ giám sát”, ông Ân nói.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường trọng yếu của dệt may Việt Nam
Ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho rằng, dù có TPP hay không, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của May 10 vẫn được diễn ra như thường. Các kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất vẫn được tiếp tục để khai thác dư địa xuất khẩu tại các thị trường, và Hoa Kỳ chắc chắn là thị trường chủ chốt.
Quay lại 1 thập kỷ trước, thương mại dệt may song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, có thể thấy, dệt may xuất khẩu đã có bước tăng trưởng ngoạn mục.
Từ năm 2002, khi hàng hóa Việt Nam không bị Hoa Kỳ đánh thuế phân biệt đối xử (nhờ hiệu lực của BTA (Hiệp định Thương mại song phương), hàng dệt may Việt Nam đã xuất khẩu vào Hoa Kỳ với số lượng đáng kể nhờ vào chất lượng cũng như giá cả hợp lý. Năm 2002, kim ngạch hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt 957 triệu USD so với khoảng dưới 50 triệu USD/năm của nhiều năm trước đó.
Năm 2003, kim ngạch này tiếp tục tăng lên đến 1,9 tỷ USD. Từ năm 2004 – 2006, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng trưởng với tốc độ bình quân chỉ 7,5%/năm do bị hạn chế bởi hạn ngạch.
Vào tháng 6/2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng dệt may Việt Nam được hưởng mức thuế MFN và được bãi bỏ hạn ngạch khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ như những nước thành viên WTO khác.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ cuối năm 2008 đã đạt 5,5 tỷ USD.
Ngay sau đó, Chính phủ Hoa Kỳ lại đơn phương áp đặt chế độ giám sát bán phá giá đối với hàng dệt may Việt Nam.
Chế độ Giám sát này đã gây tâm lý lo lắng từ cá nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và đã làm tốc độ nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam trong những năm 2009 giảm xuống 9,6% so với các năm trước.
Từ năm 2010 trở đi, hàng dệt may Việt Nam mới thực sự được đối xử bình đẳng khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ như những nước trong WTO khác và nhờ đó đã đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 10%.
Năm 2015, kinh ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ đã đạt khoảng 11 tỷ USD, chiếm khoảng 8,7% thị phần nhập khẩu dệt may vào Hoa Kỳ. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, thị phần 40%.
Từ năm 2013, cùng với tiến trình đàm phán TPP, dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và vào dệt may nói riêng đã có sự tăng trưởng đáng kể. Trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành dệt may đã đạt 6,3 tỷ USD, bằng 80% của cả 14 năm trước đó.
Nhiều nhà sản xuất dệt lớn từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… đã đưa dự án sản xuất vải, sợi vào Việt Nam.
Rõ ràng, tương lai xuất khẩu dệt may 2017 vẫn còn là ẩn số, trong đó, nhiều DN đều dự liệu khó khăn nhiều hơn, khi đơn hàng vẫn tiếp đà sụt giảm của 2016.
Tuy nhiên, với một ngành hội nhập sớm và đã từng đối mặt với những thăng trầm trong thương mại dệt may thế giới, các doanh nghiệp đã có ít nhiều kinh nghiệm để chèo lái kinh doanh khi thị trường biến động.
2016 là năm chứng kiến tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất của ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây. Xuất khẩu về đích với 28,3 tỷ USD, tăng gần 5% so với 2015. Năm 2017, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8,8%, với kim ngạch 31 tỷ USD. |
Nguồn: Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS)