Trong bối cảnh biến động khí hậu đang tác động mạnh đến vùng trồng lúa, việc chuyển đổi sản xuất từ nặng về số lượng sang nâng cao giá trị được xem là một cách thích ứng.
Thay gạo phẩm cấp thấp bằng gạo thơm
Đến cuối tháng 9-2018, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch dứt điểm 1,6 triệu hécta lúa hè thu. Đồng thời, nông dân một số vùng Hậu Giang, Cần Thơ đã bắt đầu thu hoạch lúa thu đông. “Gia đình vừa thu hoạch 1 ha lúa thu đông, thương lái đến tận ruộng mua liền tay với giá 5.100 đồng/kg. Đây là mức giá cao, gia đình đạt lợi nhuận gần 20 triệu đồng”, anh Trần Văn Khuyên, nông dân ở thị xã Long Mỹ, Hậu Giang cho biết. Điều đáng ghi nhận là nhiều nông dân trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao bán trên 6.000 đồng/kg. Có thể nói, bước tiến của việc sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao của nông dân ĐBSCL là một kỳ tích trong 30 năm qua.
Nếu như vào năm 2012, trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, gạo trắng chất lượng trung bình và thấp chiếm đến 40%, hiện nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 15%. Gạo thơm từ chỗ chiếm 33,6% năm 2012, nay tăng vọt lên 37,4%. Đây là một bước chuyển quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam. “Tìm đầu ra cho nông sản có giá trị xuất khẩu cao có thể được xem là một trong các giải pháp được chọn. Việt Nam phải có chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý, không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa”, GS-TS sĩ Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhận định.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hiện giá gạo xuất khẩu của ta đã cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100USD/tấn. Đây chính là lý do khiến ngành lúa gạo có sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ấn tượng trong 9 tháng đầu năm.
Theo nhận định của TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, chưa bao giờ gạo Việt được đón nhận đến thế khi xuất khẩu tăng trưởng mạnh cả về khối lượng lẫn giá trị. “Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ tới 140 triệu tấn lúa gạo. Đây là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường này. Ngoài ra, Việt Nam đã có một vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 khá thắng lợi cả về sản lượng lẫn cơ cấu giống, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ xuất khẩu”, TS Trần Ngọc Thạch nói.
Tăng giá trị để bù diện tích giảm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến nay Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,3 triệu tấn gạo, trị giá trên 2 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 275,9USD/tấn. Trong 3 năm gần đây, câu chuyện lúa hàng hóa ùn ứ do bị nghẽn khi tiêu thụ vào chính vụ đã không còn xảy ra. Lý giải điều này, có thể nói một cách đơn giản là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để trồng các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm để đa dạng các phân khúc xuất khẩu gạo là hướng đi đúng. Trong 5 năm qua, giữa nhà khoa học, nhà xuất khẩu và nhà nông đã hình thành chuỗi sản xuất khá bài bản của nghề trồng lúa và xuất khẩu gạo Việt Nam. Không chỉ liên kết với nông dân trồng lúa theo nhu cầu thị trường mà các doanh nghiệp cũng đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Điển hình là nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Gentraco… đã đầu tư các giống lúa thơm, chất lượng cao, gắn với bao tiêu cho nông dân.
Để làm được điều này, những doanh nghiệp như Lộc Trời, Gentraco… đã cử đội ngũ cán bộ kinh doanh và kỹ thuật xuống tận ruộng để đặt hàng và hướng dẫn nông dân trồng lúa đạt các tiêu chuẩn khắt khe. Đây là những công đoạn quan trọng để có thể đáp ứng các yêu cầu đa dạng từ các thị trường, nhất là phân khúc gạo thơm và chất lượng cao. Cả nông dân Việt Nam và VFA đều ý thức được ngành lúa gạo Việt Nam đang đối diện với những thách thức rất lớn. Trong đó, diện tích trồng lúa có thể giảm mạnh và chịu sự tác động rất lớn do biến đổi khí hậu và môi trường (hạn hán, xâm mặn), công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tại ĐBSCL, vụ lúa thu đông hiện nay do lũ lớn chỉ sản xuất 534.000ha, giảm hơn 200.000ha so với kế hoạch. Xuất khẩu gặp nhiều cạnh tranh từ các nước xuất khẩu tiềm năng; giá xuất khẩu gạo có biến động thường xuyên và rủi ro cao làm giảm hiệu quả kinh doanh. Vì thế, gia tăng giá trị hạt gạo là giải pháp quan trọng giúp nông dân nâng cao đời sống.
Việc tiếp tục chuyển đổi cơ cấu gieo trồng tại một số vùng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; tập trung hơn vào nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng, cải thiện hiệu quả xuất khẩu và lợi nhuận của người trồng lúa là hết sức cần thiết. Trong khi diện tích trồng lúa giảm, doanh nghiệp, nông dân cần tập trung vào các giống lúa có phẩm chất tốt. Với khẩu phần ít, nhưng năng lượng cao, gạo dinh dưỡng sẽ là hướng đi tương lai của xuất khẩu gạo Việt Nam.
Nguồn SGGP