Cũng theo Tổng cục Hải quan, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam với lượng NK 1,56 triệu tấn, trị giá trên 700 triệu USD (tăng tới 31,9% về lượng và 30,3% về giá trị so với cùng kỳ 2016). Tiếp đó là Philippines với 421.769 tấn (tăng 115,26%), trị giá 167,251 triệu USD (tăng 100,17%); Malaysia 365.705 tấn (tăng 80,64%), trị giá 141,677 triệu USD (tăng 61,67%)…
Các chuyên gia đánh giá, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường truyền thống nói trên là nguyên nhân quan trọng giúp cho XK gạo Việt Nam năm nay khởi sắc hơn nhiều so với năm 2016.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo được dự báo vẫn còn những diễn biến tích cực. Bởi mới đây, Bộ Lương thực Bangladesh đã công bố thông báo mời thầu nhập khẩu 50.000 tấn gạo đồ Non-Basmati. Đây cũng là một trong những thị trường tiềm năng của gạo Việt Nam, đặc biệt sau khi Chính phủ hai nước gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo. MOU được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký (từ năm 2017-2022).
Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn. Ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ này, phía Bangladesh đã thông báo mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000-300.000 tấn gạo trắng 5% tấm và mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ tháng 5 đến hết năm 2017.
Ở những thị trường trọng yếu khác cũng có tín hiệu tương tự, Philippines đã mở hạn ngạch NK gạo theo cơ chế MAV (cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu) 2017-2018. Theo đó, lượng gạo sẽ nhập từ Việt Nam theo cơ chế MAV là 293.100 tấn (tương đương với Thái Lan). Giai đoạn 1 của NK theo cơ chế MAV sẽ bắt đầu từ 20/12/2017 đến không muộn hơn 28/2/2018.
Đồng thời, Trung Quốc cũng được cho là sẽ tiếp tục NK gạo từ Việt Nam trong những tháng cuối năm với các loại gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm, tấm …
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm nay, lượng gạo cần phải XK theo các hợp đồng DN đã ký còn khá nhiều. Cụ thể, trong tháng 8 vừa rồi, lượng gạo mà các DN đăng ký hợp đồng XK là 842.000 tấn, tăng 207% so với tháng 7 và tăng gần 115% so với tháng 8/2016. Nhờ đó, từ đầu năm đến hết tháng 8, các DN đã đăng ký hợp đồng XK với lượng gạo khoảng 5,1 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 18,8% và cao hơn cả lượng gạo XK được trong năm 2016 (gần 4,9 triệu tấn). Trừ đi lượng gạo đã XK trong 8 tháng qua là 3,874 triệu tấn (số liệu của VFA), thì còn tới hơn 1,2 triệu tấn cần phải thực hiện XK trong 4 tháng còn lại của năm.
Nguồn Enternews.vn