Thứ Sáu, 22/11/2024 16:15:47 GMT+7
Lượt xem: 6687

Tin đăng lúc 03-11-2016

Xuất khẩu gạo - “Thời oanh liệt nay đâu còn”

Sau thời kỳ dai dẳng thiếu đói, với cơ chế khoán trong nông nghiệp, đến năm 1989, Việt Nam bắt đầu có gạo xuất khẩu. Có thể nói, đây là một bước ngoặt lớn trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986.
Xuất khẩu gạo - “Thời oanh liệt nay đâu còn”
Cần có những giải pháp và chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hoạt động xuất khẩu gạo

​I. Xuất khẩu gạo -“vang bóng một thời”

 

 Năm 1989, Việt Nam chính thức tham gia vào thị trường lúa gạo thế giới với số lượng gạo xuất khẩu khá lớn, khoảng 1,4 triệu tấn, đạt kim ngạch 290 triệu USD. Đến năm 1996, con số này tăng lên 3 triệu tấn, với kim ngạch 868 triệu USD, tăng 51% về lượng và 63% về  giá trị so với năm 1995. Sang năm 1997, lượng gạo xuất khẩu là 3,6 triệu tấn, đạt kim ngạch 900 triệu USD. Đến năm 1998, kim ngạch xuất khẩu của 3,8 triệu tấn gạo đã đạt mức 1 tỷ USD. Tuy chỉ tăng 5,56% về lượng, nhưng lại tăng 14,56% về giá trị. Điều này đã củng cố vững hơn vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thế giới. Đáng chú ý là năm 1999, mặc dù chịu thiệt hại nặng nề của các đợt lũ lớn ở miền Trung, sản xuất lương thực vẫn đạt 31,4 triệu tấn và xuất khẩu đạt 4,5 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD.

 

Những năm gần đây, khối lượng gạo xuất khẩu đã tăng dần qua các năm, đưa lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức trên 5 triệu tấn vào năm 2005, thu về kim ngạch khoảng trên 1,3 tỷ USD. Sau đó, đến năm 2009 là năm đạt kỷ lục xuất khẩu gạo từ trước đến thời điểm này, với lượng gạo xuất khẩu đạt trên 6 triệu tấn và kim ngạch đạt trên 2,46 tỷ USD. Trong nhiều năm, Việt Nam luôn đứng hàng thứ hai trong xuất khẩu gạo trên thế giới. Đến năm 2011, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Thái Lan dẫn đầu thế giới về XK gạo với khối lượng 7,1 triệu tấn và kim ngạch hơn 3,5 tỷ USD. Sang năm 2012, lại một năm đánh dấu thành công của ngành lương thực Việt Nam với lượng gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục từ trước đến nay là 7,256 triệu tấn. Những năm 2013 và 2014, do tình hình khó khăn nên hoạt động xuất khẩu gạo giảm cả về lượng và kim ngạch. Năm 2015 cũng là một năm đầy khó khăn và thách thức cho ngành lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo chỉ đạt 6,56 triệu tấn với kim ngạch 2,78 tỷ USD. Chín tháng đầu năm 2016, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 3,76 triệu tấn, với 1,69 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

 

Nguồn Tổng cục Thống kê

 

Những năm qua, gạo luôn được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu nông sản. Nhưng tỷ lệ của mặt hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã giảm dần trong thời gian gần đây, khi mà những mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và chính mặt hàng gạo cũng đang ngày càng gặp nhiều khó khăn thách thức lớn.

   

  II. Những khó khăn thách thức đối với xuất khẩu gạo hiện nay và trong thời gian tới.

 

​1. Việt Nam chưa có một thương hiệu gạo trên thương trường

 

Mặc dù gạo Việt Nam đã có mặt trên thị trường thế giới gần 30 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa tạo được một thương hiệu nào cụ thể. Gạo Việt sản xuất chưa theo yêu cầu từ thị trường. Người nông dân chọn giống theo cảm tính và nhất là sử dụng nhiều loại giống trên cùng cánh đồng. Do vậy, chất lượng, giá trị gia tăng thấp, giá xuất khẩu thường thấp hơn Thái Lan hơn 10%; sản xuất thiếu tính bền vững. Nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất hộ nông dân nhỏ lẻ, diện tích đất lúa/hộ nông dân quá thấp, trong khi đó các hình thức tổ chức liên kết nông dân, mô hình cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã mới… chưa phát triển rộng.

           

2. Sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới ngày càng yếu

 

Do chất lượng thấp, chưa tạo được thương hiệu, nên gạo Việt Nam ngày càng bị “lu mờ”. Hơn thế nữa, gần đây, nhiều lô hàng gạo xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU… bị trả về do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao, làm giảm mạnh uy tín mặt hàng này. Xuất khẩu gạo của chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường chính, nay các thị trường này thay đổi cách thức nhập khẩu gạo hay giảm nhập khẩu là gạo Việt Nam có vấn đề, trong khi đó hoạt động tiếp thị của chúng ta quá kém. Từ vài ba năm gần đây, Việt Nam chủ yếu bán gạo cho các thị trường châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, trong khi việc mở rộng thị trường mới diễn ra rất chậm. Đồng thời, Trung Quốc - thị trường tiêu thụ 40 – 50% tổng lượng gạo xuất khẩu những năm vừa qua của chúng ta chưa mở cửa cho gạo Việt Nam thì khó khăn lại càng chồng chất. Không những vậy, trước đây Việt Nam có thị phần lớn ở châu Phi thường tiêu thụ gạo chất lượng thấp, vậy mà nay chúng ta cũng không cạnh tranh nổi với gạo cùng chủng loại của Ấn Độ và Pakistan. Hiện Việt Nam đã mất vị trí nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới vào tay Pakistan, chỉ đứng trên Myanmar và Campuchia. Một điều mà chúng ta không ngờ đã xảy ra là Pakistan, sau khi cùng Ấn Độ và Thái Lan chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam tại châu Phi, vừa vươn tới Philippines. Với cách tiếp cận thị trường năng động, rất có thể họ sẽ đạt được các thỏa thuận cung cấp gạo, đồng nghĩa với việc chúng ta bị đánh bật ra khỏi thị trường này. Chưa hết, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và Campuchia cũng đang tích cực tiếp xúc với các thị trường chính còn lại của Việt Nam. Không có thương hiệu, không đa dạng hóa thị trường chính là hai điểm yếu kém cơ bản của gạo Việt Nam trong gần 30 năm qua.

 

3. Biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt đang làm giảm năng suất và chất lượng lúa gạo Việt Nam

  

Thời gian gần đây, diễn biến thời tiết khắc nghiệt đã gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc sản xuất nông sản Việt Nam. Tình trạng hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra khắp cả nước, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước, do xâm nhập mặn gay gắt, có nguy cơ giảm đáng kể diện tích gieo trồng và năng suất lúa trong thời gian tới. Đây là vấn đề đáng quan tâm, nhưng là yếu tố khách quan không dễ gì khắc phục được.

 

III. Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới

 

Cần có những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới

 

Cũng như những mặt hàng khác, muốn đẩy mạnh xuất khẩu gạo cần giải quyết hai vấn đề chính, đó là sản xuất và mở rộng thị trường.

 

Trong sản xuất, trước hết cần chú trọng xây dựng thương hiệu. Như đã phân tích, do phương thức sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, không có quy trình chỉ đạo chung, nên gạo Việt Nam không có thương hiệu nào có tiếng cả. Chất lượng gạo thấp, không ổn định, lại pha tạp nhiều loại, nên người kinh doanh và tiêu dùng rất khó phân biệt. Đã thế, gần đây tình trạng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật quá nhiều, nhiều lô hàng phải trả về, gây tổn thất lớn. Đây là vấn đề đang đặt ra cho người sản xuất và cơ quan quản lý chất lượng. Trong quy trình chế biến, xay xát, tuyển chọn, cần nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh, tránh pha tạp. Vì vậy, vấn đề mấu chốt là phải nhanh chóng xây dựng quy hoạch cánh đồng lớn, sản xuất tập trung và xây dựng nhiều cơ sở chế biến hiện đại.

 

Cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đến nay, gạo Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 nước và khu vực trên thế giới. Nhưng xu thế đang bị nhiều nước xuất khẩu mặt hàng này lấn sân, qua mặt. Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan ngay cả Campuchia đang có hình thức cạnh tranh hiệu quả trên thị trường gạo thế giới. Chính vì vậy, cần duy trì những thị trường truyền thống có các hợp đồng lớn theo các cam kết cấp chính phủ như Philipines, Indonesia… Đồng thời, tiếp tục mở rộng thị trường châu Phi, Trung cận đông và thị trường Nga, Đông Âu.

 

Để hoạt động xuất khẩu gạo duy trì được như những năm trước đây, mặt hàng đã từng “vang bóng một thời”, ngoài nỗ lực của người sản xuất, của doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, Chính phủ cũng cần có những chính sách và giải pháp hỗ trợ phù hợp với thông lệ.

 

Lê Xuân 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang