USDA hạ dự báo
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, có thể sẽ không đạt kỳ vọng do nhu cầu yếu và cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc. Cụ thể, USDA giảm 3,6% dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam xuống 5,6 triệu tấn trong năm nay do thương mại với thị trường Đông Nam Á và châu Phi giảm.
Cùng với đó, cơ quan này cũng nhận định, xuất khẩu gạo của Ấn độ sẽ giảm xuống mức tương đương với mức dự kiến của Thái Lan, đưa hai nước này trở thành hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay, tiếp theo là Việt Nam và Pakistan.
Trong khi đó, USDA dự báo xuất khẩu gạo của Trung Quốc sẽ tăng hơn gấp đôi từ 225 nghìn tấn lên 500 nghìn tấn nhờ doanh số ở Đông Á và Tây Phi tăng lên.
Còn theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản 2 tháng đầu năm ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 11,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng lưu ý, trong khi một số mặt hàng rau quả tăng 31,1%, cà phê 21,1%, cao su tăng 144% thì một số mặt hàng hàng chủ lực lại có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh như gạo giảm 21,4%, hạt tiêu giảm 26,9%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 15,8%.
Điều này cho thấy, 2017 sẽ còn là một năm khó khăn với xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng.
Trung Quốc “thiết lập tiêu chuẩn nhập khẩu gạo”
Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường xuất khẩu đặc biệt các thị trường như Campuchia, Philippines, Bangladesh, Pakistan…
Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu đang ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu của Việt nam như thủy sản, gạo, rau quả…khiến xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam ngày thêm nhiều “rào cản”.
Cụ thể, với mặt hàng thủy sản, Hàn Quốc yêu cầu tôm nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch. Trong khi đó, Úc vấn tiếp tục lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ Việt Nam…
Với mặt hàng gạo, xuất khẩu gạo cũng đã sụt giảm mạnh do tác động kép từ việc thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc thiết lập tiêu chuẩn nhập khẩu gạo từ các nước ASEAN đã làm cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này giảm mạnh.
“Rào cản” này đã được chỉ ra trước đó tại hội nghị gặp gỡ giữa Bộ NN&PTNT TP HCM và DN đăng ký tham gia đợt kiểm tra lần 2 của Cục Giám sát, Kiểm tra chất lượng và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) về những thuận lợi, khó khăn của DN khi xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc.
Theo đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ sang Trung Quốc để thảo về vấn đề xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc. Bởi, hiện hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc-thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam vẫn chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, nhiều rủi ro.
Hơn nữa, thị trường được cho là vốn “dễ tính” này đang ngày một gia tăng thêm rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu gạo từ Việt Nam vào nước này.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, DN xuất khẩu mặt hàng nông sản nói chung, gạo nói riêng cần chú ý đối với thị trường Trung Quốc nếu không muốn gặp khó khăn. Về dài hạn, để hạt gạo xuất khẩu được ở tất cả các thị trường thì tiêu chí đầu tiên là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, người nông dân, DN cần nhanh chóng thay đổi cách thức canh tác để phù hợp với tiêu chí của thị trường.
Cùng với việc Thái Lan thực hiện xả kho hàng tồn kho gạo đã làm giảm giá gạo thế giới khiến kim ngạch xuất khẩu gạo hai tháng đạt 328 triệu USD, giảm cả về lượng và giá trị xuất khẩu, trong đó lượng giảm 19,5% và giá trị giảm tới 21,4%.
Chưa hết, theo các doanh nghiệp, họ đang rất vất vả để tồn tại và phải cạnh tranh gay gắt với gạo trắng của Thái Lan ở những thị trường vốn là “sân nhà” của mình như Châu Phi. Ở thị trường này, vài năm trước gạo trắng của Việt Nam còn có “cửa”, nay với chiến lược mới là xả kho gạo và hạ giá thành, gạo trắng Thái Lan đã chiếm lĩnh gần như hoàn toàn ở thị trường châu Phi, các doanh nghiệp Việt có chăng chỉ có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu gạo thơm.
Cùng với đó, các nước nhập khẩu gạo truyền thống như Indonesia, Philippines đã có chiến lược tự cung lúa gạo.
Do đó, Bộ Công Thương đề ra giải pháp, với rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, tôm sang Hàn Quốc, Úc, trước mắt, cần tăng cường công tác phổ biến cho doanh nghiệp quy định mới của Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc để tránh ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động xuất khẩu mặt hàng tôm, gạo của Việt Nam.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ Úc cân nhắc, sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín, bởi lệnh này có ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam. Cần tận dụng Hiệp định VEAEU khi nội dung của cam kết đã dành cho Việt Nam về gạo để mở rộng thị trường thay thế.
Đặc biệt, trong trung hạn và dài hạn cần chuẩn bị tốt trong tổ chức quy trình sản xuất và nuôi trồng nông- thủy sản để xây dựng năng lực xuất khẩu bền vững hơn.
Nguồn Enternews