Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 5 thị trường chiếm gần 90% thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm: Mỹ chiếm 50%, EU chiếm 8%, Trung Quốc 12%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 8% đã và đang thông báo tới các nhà cung cấp tại Việt Nam giãn thời gian mua hàng, dừng mua hàng hoặc trả chậm.
Gần như 100/100 nhà máy ở Đồng Nai đã bị khách hàng xin chậm xuất, hủy đơn hàng và trả chậm. Còn tại Bình Dương, một số nhà máy cho công nhân làm luân phiên. Một số nhà máy vốn đầu tư Đài Loan làm hàng cho Mỹ làm đơn xin tạm dừng. Các nhà mua hàng lớn đã có thông báo hủy bớt đơn đặt hàng, hoãn việc xuất hàng do họ phải đóng cửa hệ thống cửa hàng và trung tâm phân phối. Đặc biệt là sau khi các nước EU chính thức đóng cửa biên giới trong một nỗ lực chưa từng có nhằm kiểm soát sự lây lan khủng khiếp của dịch Covid-19.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt – cho biết: Mỗi doanh nghiệp có dòng khách hàng khác nhau, họ không chỉ làm riêng cho thị trường EU mà còn làm cho Mỹ. Hiện, một số cảng tại Mỹ đóng cửa không cho nhập container.
Nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế tổng cung luôn bằng tổng cầu. Trong khi đó, cầu nghiêng về thuốc men, thực phẩm, trong khi đồ gỗ không phải là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Các cửa hàng tại EU, Mỹ đóng cửa. Việc này kéo theo 3 tình huống của khách hàng gồm: hủy đơn hàng, tạm dừng đơn hàng, điều chỉnh lại đơn hàng. Hiện, các doanh nghiệp trong ngành gỗ tại Bình Dương gần như làm việc theo giờ với các đối tác bởi lẽ các đối tác cũng phải dựa trên căn cứ tình hình chung như thế nào thì mới dám nhập.
“Khi xảy ra tình huống này thì rõ ràng các doanh nghiệp gỗ Việt bị thiệt hại. Bởi lẽ, hàng đã lên dây chuyền sản xuất, thiết bị nguyên phụ liệu đã mua. Tùy theo mỗi doanh nghiệp mà sẽ có khó khăn nhiều hay ít”, ông Nguyễn Liêm nói.
Cũng theo ông Nguyễn Liêm, việc hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ gặp khó, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang tính đến chuyển hướng sang thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc này không dễ vì thị hiếu và phong cách tiêu dùng khác nhau dẫn đến công nghệ sản xuất cũng khác nhau. Mặt khác, chuỗi phân phối tại thị trường trong nước cũng chưa có.
Dự báo khó khăn đối với các doanh nghiệp nói chung và ngành gỗ nói riêng sẽ kéo dài trong 3 – 6 tháng tới thậm chí lâu hơn. Ông Nguyễn Liêm cho biết, hiện các doanh nghiệp tập trung giảm tối đa chi phí, kể cả chi phí mua nguyên liệu nhập khẩu nguyên vật liệu, giảm tối đa chi phí trong nhà máy không cần thiết. “Có những doanh nghiệp đã mở LC để nhập nguyên vật liệu rồi, bây giờ phải thuyết phục khách hàng hủy, và chấp nhận chịu thiệt. Thậm chí đơn hàng có rồi cũng không dám làm. Tình hình này cũng chưa biết sẽ khó khăn trong bao lâu, tùy thuộc vào việc dập dịch Covid- 19 trên thế giới. Không ai tiên liệu, dự báo được điều gì”, ông Nguyễn Liêm nói.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đưa ra dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ giảm mạnh trong 3 tháng tới.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid- 19 bùng phát tại Trung Quốc, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động rất lớn, nhưng ngành gỗ vẫn chưa bị ảnh hưởng, xuất khẩu vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khả quan trong 2 tháng đầu năm 2020. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng 19,1% trong 2 tháng đầu năm 2020. Hầu hết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu qua đường biển nên chưa chịu tác động lớn.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng đường biển qua các cảng như: Cát Lái – TP. Hồ Chí Minh, Quy Nhơn – Bình Định, Hào Hưng – Quảng Ngãi, Nghi Sơn – Thanh Hóa. Hiện dịch Covid- 19 đã hạ nhiệt ở Trung Quốc, việc này sẽ giúp cải thiện tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam nói chung.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19, nhiều nước EU đã thông báo kế hoạch đóng cửa biên giới để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Dự báo, nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu trong đó đồ gỗ tại thị trường này sẽ suy giảm. Trong khi đó, đây là một trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU. |
Theo Báo Công Thương