Đó là khuyến nghị của các diễn giả tham dự Hội thảo và đào tạo kỹ năng xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Liên bang Nga và EAEU, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các bên liên quan tổ chức chiều ngày 2/11/2021.
Cơ hội rộng mở
Ông Kirill Tsygankov - Đại diện Cơ quan thương mại Nga tại Việt Nam, cho biết, Nga và Việt Nam đã phát triển quan hệ lên tầm đối tác toàn diện, trong đó hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư là nhân tố quan trọng. FTA giữa Việt Nam - EAEU đã cắt giảm nhiều dòng thuế nhập khẩu thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên. Hàng hóa nông thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội vào thị trường Nga. Tuy nhiên, người tiêu dùng Nga chưa tiếp cận được nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam, nhất là các mặt hàng hoa quả tươi.
Ông Dương Hoàng Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga, đánh giá: Mặc dù Việt Nam không còn được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP khi hàng hóa xuất khẩu vào Nga và EAEU, nhưng mức thuế trong FTA Việt Nam - EAEU còn ưu đãi hơn cả GSP, cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Nga rất tốt.
Tuy nhiên, nông thủy sản Việt Nam vào Nga đến nay giá trị còn rất khiêm tốn. Chẳng hạn, trong năm 2020, Nga nhập khẩu chè trị giá khoảng 420 triệu USD, Việt Nam xuất khẩu mới chiếm 6%; nhập hạt điều từ Việt Nam chiếm 83% giá trị kim ngạch, nhưng trị giá cũng mới khoảng 37,7 triệu USD; nhập khẩu xoài sấy từ Việt Nam chiếm trên 90%, nhưng trị giá mới đạt khoảng 9,2 triệu USD; tổng nhập khẩu thủy sản của Nga năm 2020 khoảng 1,7 tỷ USD, nhưng Việt Nam mới xuất khẩu vào Nga đạt 111 triệu, chiếm khoảng 6,6%...
Không chỉ giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn, mà nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Nga chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế, ít chế biến sâu nên giá trị gia tăng thấp. Việc sử dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi từ FTA Việt Nam - EAEU khi xuất khẩu vào Nga của các DN Việt Nam còn ít.
Nguyên nhân, theo ông Dương Hoàng Minh, DN Việt Nam hiểu biết về thị trường Nga còn hạn chế. Khả năng cạnh tranh của nông thủy sản Việt Nam chưa cao do chất lượng chưa đồng đều, số lượng chưa đảm bảo, mặt hàng xuất khẩu cũng chưa thực sự đa dạng, chi phí vận tải cao do khoảng cách xa.
Ông Lê Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga (VBARF), cho rằng, hàng nông thủy sản Việt Nam có nhiều ưu thế tại Nga, do đặc điểm địa lý nên Nga chủ yếu tiêu dùng các sản phẩm này từ nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng vào Nga hiện nay vẫn phụ thuộc vào đối tác nhập khẩu. Một số hàng rào kỹ thuật đối với nông thủy sản vào Nga cũng còn phức tạp, do nước này bảo hộ khá cao các sản phẩm tương tự sản xuất ở trong nước.
Cần chủ động tiếp cận
Để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa song phương, mới đây, đại diện Chính phủ hai bên đã thống nhất sửa đổi một số qui định theo FTA giữa Việt Nam và EAEU tháo gỡ các rào cản kỹ thuật đối nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Nga, trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai bên. Ông Dương Hoàng Minh, cho rằng, các cơ quan chức năng cần phổ biến biểu thuế và lộ trình cắt giảm thuế quan trong FTA Việt Nam - EAEU với các dòng hàng hóa cụ thể đến các doanh nghiệp Việt Nam giúp họ nắm bắt và tận dụng cơ hội, bởi nhiều mặt hàng nông thủy sản Việt Nam vào Nga đã được cắt giảm thuế quan về 0%, trong khi mặt hàng cùng loại của các nước khác vẫn phải chịu thuế.
Các DN Việt Nam cần chủ động nghiên cứu kỹ mặt hàng nào có thể xuất khẩu trực tiếp vào Nga thì xuất khẩu trực tiếp, mặt hàng nào có thể tiến hành hợp tác với các đối tác đầu tư nhà máy chế biến sâu tại Nga để tiêu thụ nhằm khai thác tối ưu cơ hội thị trường thì đi theo hướng đầu tư. Đồng thời, chủ động khảo sát thị trường, tham gia các triển lãm, hội chợ tại Nga để nắm bắt thông tin, thị hiếu người tiêu dùng, kết nối với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga để hợp tác, được hỗ trợ thâm nhập thị trường Nga.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Âu-Việt - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Belarus cho rằng, cần nâng cao giá trị gia tăng cho nông thủy sản Việt Nam vào thị trường Nga. Việc đầu tư nhà máy để chế biến sâu sản phẩm tại Nga là một hướng đi tốt, không khó khăn, nhưng cần phải có mạng lưới phân phối tốt. Bởi đặc thù hoa quả, tươi sống của Việt Nam là mùa vụ, cần tìm được đối tác có mạng lưới phân phối rộng và phân phối nhanh các sản phẩm tới người tiêu dùng Nga mới hiệu quả.
Ngoài ra, theo ông Hùng, làm ăn với thị trường Nga vẫn còn vướng khâu thanh toán, dù hai bên đã thành lập Ngân hàng Việt - Nga, nhưng thực tế dịch vụ rất chậm trễ, các cơ quan chức năng hai bên cần có biện pháp để tháo gỡ.
Một số doanh nghiệp phản ánh, việc xuất khẩu bưởi da xanh vào Nga, vẫn phải thông qua đối tác trung gian Trung Quốc, ông Lê Trường Sơn cho rằng, đó là là do cách làm thương mại của một số doanh nghiệp Việt Nam, chứ không phải do bưởi da xanh Việt Nam khó vào Nga. Theo ông Sơn, một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch bưởi da xanh sang Trung Quốc, các đối tác Trung Quốc là một nhà cung cấp hàng hóa lớn vào thị trường Nga, họ tiếp tục xuất khẩu bưởi da xanh của Việt Nam vào Nga trực tiếp không khó khăn. Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận thị trường Nga theo hướng chủ động.
Theo Congthuong.vn