Trong 5 tháng đầu năm 2017, nguồn nguyên liệu tôm và cá tra hạn chế, giá nguyên liệu tăng mạnh, khiến cho XK 2 sản phẩm chủ lực này tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, nguồn cung tăng nhờ sản lượng khai thác và lượng NK tăng cùng với sự linh hoạt của DN xuất khẩu trong việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường, XK cá ngừ, mực, bạch tuộc và hải sản khác đều đạt tăng trưởng dương. Do vậy, tổng XK thủy sản của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2017 vẫn duy trì mức tăng trưởng như năm 2016 với 7,5%, đạt khoảng 2,76 tỷ USD.
Trong khi sản lượng nguyên liệu tôm, cá tra giảm, giá nguyên liệu tăng cao thì sản lượng cá ngừ và các mặt hàng hải sản khác tăng, nên đã có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu sản phẩm và cơ cấu thị trường trong DN xuất khẩu. Xu hướng dịch chuyển về cơ cấu sản phẩm theo hướng nghiêng dần sang các mặt hàng hải sản được dự báo sẽ tiếp tục trong những tháng tới và cả năm nay.
Sau khi tăng trưởng dương 6,7% trong năm 2016, XK tôm Việt Nam 5 tháng đầu năm 2017 tăng chậm hơn với 1.145 triệu USD, tăng 4% với cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, thuế CBPG khiến XK tôm sang Hoa Kỳ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này. XK sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Australia.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích nuôi cá tra của ĐBSCL đạt 3.092 ha, giảm 6,2% với tổng sản lượng đạt 465,9 nghìn tấn, tăng 11%. Không chỉ vướng tại Hoa Kỳ, XK cá tra còn gặp khó tại thị trường EU do nhu cầu tiêu thụ chưa hồi phục cộng với áp lực từ truyền thông bôi nhọ tại một số nước. Tuy nhiên, XK sang Trung Quốc, Brazil, Mexico tăng mạnh đã giúp cho giá trị XK cá tra vẫn tăng nhẹ 2,4% đạt 665 triệu USD.
XK cá ngừ của Việt Nam đạt 216 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, XK cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước, XK cá ngừ đông lạnh tăng 11%. XK cá ngừ tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng XK sang các thị trường chính truyền thống như Hoa Kỳ và EU.
XK mực, bạch tuộc Việt Nam đạt tổng giá trị 199 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam XK mực, bạch tuộc sang 43 thị trường, giảm 7 thị trường so với 50 thị trường cùng kỳ năm 2016. Cả 3 thị trường lớn nhất là Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản đều sụt giảm NK mực, bạch tuộc từ Việt Nam.
XK sang thị trường Hoa Kỳ giảm và dự báo sẽ khó có thể hồi phục trong bối cảnh thuế CBPG, chương trình thanh tra cá da trơn sẽ áp dụng chính thức từ tháng 9/2017, thị trường tiền tệ xáo trộn sau khi ông Trump trúng cử Tổng thống và có khả năng cao là chính quyền mới sẽ tăng rào cản kỹ thuật, thuế quan và bảo hộ. Nhưng tại thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, Hàn Quốc, nhu cầu NK cao sẽ bù đắp và thúc đẩy XK thủy sản của Việt Nam trong những tháng tới.
Nguồn: vasep.com.vn