Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam(VASEP), tính riêng từng tháng trong năm nay, nhập khẩu tôm vào Nhật Bản tăng đều từ tháng 5 đến tháng 10. Nhập khẩu tôm trong tháng 10 đạt cao nhất kể từ đầu năm. Nước này có xu hướng tăng nhập khẩu tôm các tháng cuối năm do thời điểm này diễn ra nhiều lễ hội ở Nhật Bản. Chi tiêu hộ gia đình dành cho thủy sản ở Nhật Bản tăng lên 160 yên/100 gram trong tháng 10, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của ITC, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, Thái Lan đứng thứ 2, Indonesia và Ấn Độ lần lượt giữ vị trí thứ 3 và 4. Nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Nhật Bản trong 10 tháng đầu năm giảm cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2014 trong khi nhập khẩu tôm từ Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ tăng về khối lượng nhưng lại giảm về giá trị.
Trong số 4 nguồn cung tôm chính cho Nhật Bản 10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm từ Việt Nam giảm mạnh nhất với 18,3% trong khi nhập khẩu từ Indonesia và Ấn Độ giảm ít hơn lần lượt là 10,7% và 18,1%.
Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, các nhà nhập khẩu Nhật Bản đang có xu hướng tìm tới nguồn cung tôm giá rẻ từ Ấn Độ, Indonesia. Giá tôm, đặc biệt là tôm chân trắng ở Ấn Độ dự kiến tăng từ nay đến cuối năm do thiếu nguồn cung sau đợt lũ lụt và dịch bệnh.
Theo VASEP, tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến là 2 mặt hàng tôm nhập khẩu chính vào Nhật Bản. Đối với tôm chế biến, Thái Lan đang là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường này. Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng này của Việt Nam tương đương với Thái Lan. Đối với tôm nguyên liệu đông lạnh, Việt Nam đang là nguồn cung lớn nhất, Indonesia đứng thứ 2. Giá xuất khẩutrung bình mặt hàng này của Việt Nam cao hơn một chút so với Indonesia.
Theo nhận định của VASEP, kinh tế Nhật Bản đang trong quá trình hồi phục cộng với nhu cầu nhập khẩu tôm sú vào Nhật Bản thường tăng dịp cuối năm, đây có thể là cơ hội cho các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng cuối năm nay.
Theo Trí thức trẻ/VASEP