Trong bối cảnh toàn thế giới ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh hoành hành từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam (VN) có mức tăng trưởng dương 2,12%. Đáng chú ý là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 388,7 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, với dấu ấn hơn 202,9 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 71,83 tỷ USD, tăng hơn 20% (chiếm 35,4%); Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 131 tỷ USD (chiếm 64,6%); Nhập khẩu ở mức 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ; Cán cân thương mại đã đạt xuất siêu kỷ lục lớn nhất từ trước tới nay, lên tới hơn 16,99 tỷ USD, gấp rưỡi so với năm 2019. So với 10 năm trước, chúng ta nhập siêu hơn 12 tỷ USD thì đến nay con số còn lớn hơn rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Những con số trên đây là rất đáng ghi nhận, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là xuất siêu. Chúng ta có ba yếu tố để xuất siêu: Thứ nhất là, tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Thứ hai, tuy các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn và truyền thống xuất khẩu giảm do tác động của dịch Covid-19, như điện thoại, thiết bị 9 tháng giảm 5,5%; Dệt may giảm trên 10%; Da giầy giảm 8,8%, nhưng VN vẫn tăng trưởng kỷ lục vào các mặt hàng mới và có giá trị gia tăng cao. Về lĩnh vực nông nghiệp, tất cả các mặt hàng đều giảm, nhưng gạo trong 9 tháng chúng ta xuất được 2,9 tỷ USD, mặc dù về lượng chúng ta giảm 0,6%, nhưng giá trị tăng 12%, đây là một tín hiệu rất mừng cho nông sản VN. Đối với các mặt hàng có giá trị gia tăng cao thì xuất cao, trong đó, máy móc, thiết bị phụ tùng, linh kiện VN xuất khẩu tăng trên 18%, các mặt hàng về linh kiện điện tử, máy móc thiết bị tăng trên 35,8%. Thứ ba, về xuất khẩu, VN có 6 thị trường chính là: Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, thì chúng ta giữ được mức tăng trưởng cao ở 02 thị trường đó là Mỹ, Trung Quốc.
Rõ ràng để có được con số này là cả một vấn đề không đơn giản, ở VN, nhập siêu đã kéo dài từ những năm 1990 đến năm 2010, chúng ta nhập siêu 12,4 tỷ USD, đến 2012, VN mới xuất siêu hàng hóa với mức 780 triệu USD, sau đó, chuỗi xuất siêu bắt đầu từ năm 2015 là năm nhập siêu trở lại, từ năm 2016 tới nay, cán cân thương mại đều nghiêng về xuất khẩu với mức tăng ngày càng lớn, thậm chí tăng vài lần qua các năm.
Dứa cũng là mặt hàng xuất khẩu của VN
Những năm gần đây cho thấy, xuất siêu năm sau cao hơn năm trước, vì vậy, VN có thể nhìn sự dịch chuyển từ một nước nhập siêu sang một nước xuất siêu trong một thời gian dài, mang lại giá trị tích cực cho nền kinh tế. Sở dĩ có sự dịch chuyển này là bởi VN đã ký tới 13 Hiệp định FTA đến thời điểm này trong đó, Hiệp định quan trọng và kỳ vọng nhất đó là: Hiệp định EVFTA.
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề nhập siêu và xuất siêu nó đều có yếu tố tiêu cực và tích cực, bởi nếu nhập siêu thì chúng ta nhập máy móc, thiết bị kỹ thuật, được tiếp thu công nghệ mới của thế giới và tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, tạo được cạnh tranh với các sản phẩm của các nước và nếu là văn hóa thì chúng ta cải thiện đời sống tinh thần của người dân. Tuy nhiên, nhập siêu thì mặt tiêu cực lớn hơn, nguy cơ sùng ngoại hơn hàng trong nước. Thứ hai, nhập siêu tác động đến nợ công, mà càng nhập siêu trong một thời gian dài thì cần phải dùng ngoại tệ, vì vậy, Chính phủ phải phát hành trái phiếu để bù đắp những thiếu hụt đó, dẫn đến nợ công - đây là một trong những nguyên nhân đổ vỡ nợ công ở Hi Lạp năm 2009. Ngoài ra, nhập siêu còn gây ra khủng hoảng tài chính và thị trường chứng khoán. Do vậy, chúng ta luôn mong muốn xuất siêu lớn vì tác động tích cực hơn, VN sẽ ổn định được tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại tệ, đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang muốn giữ ổn định đồng nội tệ để phát triển kinh tế khi dịch bệnh kết thúc.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Khi mà chúng ta có con số xuất siêu kỷ lục như thế, nhiều nhà kinh tế cũng đặt ra câu hỏi này: “Có phải chăng, chúng ta đang không có nguyên liệu, không nhập được nguyên liệu thì chúng ta mới xuất siêu?”. Qua theo dõi, xuất siêu là do khối doanh nghiệp trong nước đã có đối ứng rất phù hợp khi dịch Covid-19 xảy ra, có nghĩa là chủ động khai thác tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các ngành Dệt may, Da giầy đang giảm và các ngành này tỉ lệ lao động trong doanh nghiệp rất lớn, nhưng việc giảm là do chúng ta không nhập được nguyên liệu, cái chính là các đơn hàng ở các nước có dịch bệnh nên chưa ký được. Cho nên, chúng ta không đáng lo vì theo con số thu thập được, cho đến hiện tại, VN nhập nguyên liệu cho sản xuất đạt 93,5%, chỉ giảm 0,03 so với năm trước, qua đó, xuất siêu năm nay do các doanh nghiệp chủ động tìm mọi giải pháp nhằm thích ứng và tìm nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Chúng ta có một dư địa mà ít người để ý đó là 09 tháng vừa qua đã xuất khẩu vào châu Âu đang giảm so với cùng kỳ, đây là một trong cái dư địa khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực; vừa rồi, VN đã xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như: Cà phê, gạo, trái cây vào thị trường châu Âu. Vì vậy, khi dịch bệnh được khống chế thì 03 tháng cuối năm dư địa xuất khẩu vào thị trường châu Âu là rất lớn, điều đó có nghĩa là chúng ta tiếp tục xuất siêu kỷ lục.
Trong bối cảnh nền khinh tế thế giới hầu hết là thăng trầm thì vấn đề tăng trưởng kinh tế VN là rất đáng ghi nhận, thuận lợi của VN là có các Hiệp định thương mại tự do, thị trường rộng mở hơn, chính vì thế con số xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt là nỗ lực không nhỏ của các doanh nghiệp và cả hệ thống để tích lũy tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ báo tăng trưởng hay suy giảm từ những con số về xuất nhập khẩu qua số liệu xuất siêu kỷ lục cũng hết sức quan trọng để chúng ta có sự điều chỉnh linh hoạt đảm bảo tăng trưởng bền vững hơn cho bước đường tiếp theo.
Thu Hằng