Sự kiện ra mắt chiếc đồng hồ thông minh của công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới - Apple vào tháng 4/2015 được đánh giá vượt tầm của một sản phẩm công nghệ, đe dọa đến toàn ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ truyền thống và đồng hồ thông minh. Apple Watch có mức giá dao động từ 350 USD (khoảng 7,7 triệu đồng) cho phiên bản thể thao và 10.000 USD (khoảng 220 triệu đồng) cho phiên bản đặc biệt mạ vàng. Chiếc Apple Watch nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ cả các nhà phê bình và khách hàng về những tính năng chưa đủ đột phá so với các đối thủ trước đó như Samsung Galaxy Gear 2, Gear Fit...
Apple không công bố sản lượng đến tay người dùng. Tuy nhiên, theo phân tích của Wall Street, Apple đã bán được khoảng 3,6 triệu chiếc từ thời điểm ra mắt đến hết quý 2/2015 và thêm 4 triệu chiếc trong quý 3/2015.
2. Túi khí có khả năng phát nổ
Tập đoàn Takata (Nhật Bản) đã thừa nhận thu thập được những bằng chứng trong nhiều năm qua về việc các túi khí an toàn trong các dòng xe của Hãng có khả năng phát nổ. Theo báo cáo của Hãng, đây là nguyên nhân dẫn đến 8 vụ tử vong và hơn 100 người khác bị thương trên toàn thế giới.
Takata đã đồng ý khoản phạt 70 triệu USD của các nhà chức trách Mỹ. Công ty này cũng đồng ý loại bỏ hoàn toàn dòng túi khí sử dụng ống bơm chất Ammonium Nitrate, nguyên nhân được cho là gây ra các vụ nổ. Hãng xe Ford, Honda, Toyota, Nissan đã quyết định loại bỏ túi khí này cho dòng xe hơi và xe tải.
3. Internet bình đẳng (Net Neutrality)
Các công ty viễn thông và hạ tầng cáp quang đã đấu tranh với các nhà lập pháp Mỹ để điều chỉnh quyền quản lý mạng internet. Ủy ban Truyền thông Liên bang sau đó đã ban hành sắc lệnh “Internet bình đẳng” để cấm các nhà cung cấp dịch vụ internet tung ra các gói cước ưu tiên (trả tiền nhiều hơn để truy cập với tốc độ nhanh hơn). Người tiêu dùng và các công ty chuyên về nội dung như Netflix ủng hộ quy định mới này. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ internet như Comcast và Verizon cho rằng quy định này sẽ làm hạn chế sự sáng tạo và giảm vốn đầu tư vào hạ tầng mạng băng thông cao.
4. Kỷ lục các thương vụ sáp nhập khổng lồ
Các doanh nghiệp Mỹ đã đón nhận một cuộc “đại tu” trong năm 2015. Làn sóng mua bán và sáp nhập tăng cao nhất trong nhiều năm qua với giá trị các thương vụ đạt gần 4.800 tỷ USD, vượt qua con số kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2007. Số lượng các cuộc sáp nhập khổng lồ (trị giá trên 10 tỷ USD) cũng đạt kỷ lục mới.
Danh sách này bao gồm thương vụ sáp nhập trị giá 106 tỷ USD giữa hãng bia AB Inbev và SAB Miller; thương vụ trị giá 60 tỷ USD giữa Dow Chemical và DuPont với một nỗ lực trong tuyệt vọng để chống lại việc hàng hóa mất giá mạnh; Pfizer và Allergan đạt được thỏa thuận trị giá 149 tỷ USD, đem 2 sản phẩm tiêu biểu là Viagra và Botox của 2 hãng này về chung một mái nhà; thương vụ mua lại công ty dự trữ dữ liệu EMC với giá 66 tỷ USD của hãng máy tính Dell, và Walgreens mua đối thủ cùng ngành cửa hàng thuốc y tế Rite Aid với giá 9,4 tỷ USD.
5. Bùng nổ ứng dụng dựa trên “nền kinh tế chia sẻ”
Sự tăng trưởng vượt bậc của dịch vụ gọi taxi Uber đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về “nền kinh tế chia sẻ”. Mọi người thay vì làm việc tại công sở sẽ chuyển sang một phương thức làm việc tự do hơn (freelance) bằng cách sử dụng xe hơi cá nhân như một phương tiện công cộng để kiếm tiền. Ngoài Uber, các ngành nghề khác cũng có sự chuyển biến lớn với các ứng dụng như Homebound (dành cho nhà thiết kế phần mềm) hay Thumbtack, một sàn giao dịch dành cho các nhà điêu khắc gỗ để bán sản phẩm.
6. Xe hơi tự lái
Các hãng xe và công ty công nghệ như Google, Alibaba và Baidu đang cạnh tranh để phát triển dòng xe hơi tự lái. Nissan (Nhật Bản) thậm chí đã cho một số phóng viên thử trải nghiệm trên những chiếc xe của Hãng. Hãng xe điện Tesla cũng đã công bố công nghệ giúp xe hơi có thể tự thắng và chuyển làn. Càng ngày sẽ có nhiều chức năng của xe hơi được chuyển sang chế độ tự động và theo đánh giá của các chuyên gia, một chiếc xe có thể tự lái hoàn toàn sẽ chính thức được sản xuất vào năm 2025.
7. Fed tăng lãi suất lần đầu tiên sau 7 năm
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất kỳ gửi ngắn hạn xuống gần 0% vào năm 2008, nền kinh tế Mỹ thời điểm đó mất hàng trăm ngàn việc làm hàng tháng, hệ thống tài chính gần như tê liệt. Việc cắt giảm lãi suất được cho là một phản ứng khẩn cấp và không một chuyên gia nào có thể dự đoán bước đi này kéo dài hơn 7 năm.
Ngày 16/12/2015, Fed cuối cùng đã thông qua việc tăng lãi suất sau nhiều động thái “úp mở” trước đó với lý do cho rằng nền kinh tế Mỹ đã phục hồi. Tuy nhiên, mức tăng được đánh giá là vẫn còn khá thấp (từ 0-0,25% lên 0,25-0,5%). Dù mức tăng vẫn ở mức thấp, nhiều nền kinh tế trên thế giới đang phải chống lại tác động có thể gây ảnh hưởng xấu đến những quốc gia này, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế trên đã phải có những biện pháp mạnh tay hơn để tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ.
8. Cuộc khủng hoảng khí thải của Volkswagen
Nửa đầu năm 2015, Volkswagen đã “vượt mặt” Toyota giữ vị trí là nhà sản xuất xe hơi có doanh số lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chiến thắng này nhanh chóng lụi tàn. Ngày 18/9/2015, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ công bố rằng Volkswagen đã gian lận trong những bài kiểm tra khí thải trong hàng trăm ngàn dòng xe hơi sử dụng dầu diesel.
Hành động phi pháp này đã gây chấn động cả thế giới và khiến ông Martin Winterkorn, Giám đốc Điều hành hãng xe này, phải từ chức. Volkswagen theo đó phải công bố kế hoạch thu hồi 11 triệu sản phẩm chạy dầu diesel trên toàn thế giới với giá trị lên đến 7 tỷ USD. Tại Mỹ, Volkswagen đã phải thu hồi 500.000 xe và hàng loạt các cuộc điều tra đang được tiến hành trên thế giới.
9. Giá hàng hóa sụp đổ
Sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc cộng với dư thừa trữ lượng và sản lượng dầu mỏ đã “nghiền nát” giá nhiên liệu và hàng hóa trong năm qua. Chỉ số S&P GSCI về hàng hóa đã giảm 34%, xuống mức thấp nhất kể từ kỷ lục xác lập vào năm 1999 và giảm 80% so với đỉnh điểm đạt được. “Thủ phạm” chính được cho là sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế đỉnh điểm tiêu thụ khoảng phân nửa sản lượng đồng, nhôm, niken và thép trên toàn thế giới.
Giá dầu thô theo đó cũng giảm mạnh, từ mức 98 USD/thùng trong năm 2013 xuống dưới 35 USD/thùng. Nguyên nhân là các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ kiên quyết không giảm sản lượng, dẫn đến sự dư thừa khổng lồ. Để đối phó, các công ty năng lượng đã cắt giảm đầu tư vào những mỏ dầu tại Mỹ.
10. Kinh tế Trung Quốc suy thoái
Đây là sự kiện được đánh giá có tác động lớn nhất đến nền kinh tế thế giới trong năm 2015. Phải mất hơn 5 năm thì mọi người đánh giá đúng về sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Và chuyện gì đến cũng phải đến, chứng khoán Trung Quốc sụp đổ đã tác động lớn đến kinh tế toàn cầu. Từ 10-25/8/2015, chỉ số công nghiệp Dow Jones (Mỹ) đã giảm trung bình 11% với những lo sợ về rắc rối mà Trung Quốc đang gặp phải.
Sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc được cho là một phần trong kế hoạch để dịch chuyển sự tăng trưởng không bền vững dựa trên sản lượng xuất khẩu và những kế hoạch đầu tư “vô tội vạ” sang sự phát triển ổn định hơn dựa trên chi tiêu tiêu dùng.
Các chuyên gia kinh tế bắt đầu có những đánh giá về tốc độ nền kinh tế Trung Quốc và cho rằng con số tăng trưởng 7% mỗi năm trong thời gian qua là ngụy tạo và thực tế chỉ đạt từ 5-6%.
Theo Quân Vũ (Tổng hợp)/người tiêu dùng