Theo nghiên cứu của Oxfam thì hiện nay 50% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là qua những thiên đường thuế, trong đó có một số địa danh đầu tư lớn nhất vào Việt Nam như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, quần đảo British Virgin… đều có những thiên đường thuế. Theo phân tích của bà Susana Ruiz của Oxfam thì điều đó có nghĩa là chúng ta gần như “chẳng được gì” trong số lợi nhuận của các DN FDI.
Hơn nữa, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong 15 năm qua, FDI vào các thiên đường trốn thuế đã tăng 4 lần. Phân tích giải pháp cho tình trạng này, bà Susana cho biết: Các nước hoàn toàn có thể đưa ra những rào cản cần thiết với những địa danh đã có “tiếng xấu” là thiên đường thuế. Cụ thể, chúng ta cần đưa vào luật của quốc gia, yêu cầu các DN FDI khai báo cụ thể về các công ty con, hoạt động cụ thể để kiểm soát trước khi cho họ vào đầu tư.
“Panama sau khi bị lộ hồ sơ mật đã là có một cái danh rất xấu, nên các quốc gia hoàn toàn có thể dùng lệnh cấm vận với những khoản tiền đi qua quốc gia này”, bà Susana lưu ý.
Cùng với đó, vị chuyên gia Oxfam phân tích, nhờ các thiên đường thuế nên các công ty đa quốc gia có thể chỉ phải trích 5% lợi nhuận của mình cho các khoản thuế thu nhập DN có nghĩa vụ chi trả.
Theo đó, thay vì việc phải chi trả phần thuế có nghĩa vụ phải trả tại những nơi diễn ra các hoạt động thực tế (như ở Việt Nam là 20-25%) thì những công ty này lại ngụy tạo việc chuyển lợi nhuận đến các thiên đường thuế. Tại đây, họ chỉ phải chi trả thuế suất dưới 1%, thậm chí 0% để tránh thuế.
Bà Susana lấy ví dụ về một chiếc điện thoại được làm ở Việt Nam và xuất bán sang Tây Ban Nha. Ở Việt Nam, giá chiếc điện thoại này được kê khai giá trị là 1 USD, sau đó, được chuyển đến một nước thiên đường thuế dưới dạng giấy tờ và đẩy nguyên giá lên 100 USD. Song cũng chính chiếc điện thoại này lại được xuất bán ở Tây Ban Nha với mức giá 101 USD – người tiêu dùng ở đây phải trả cho mức giá này nhưng lợi nhuận sinh ra tại Tây Ban Nha chỉ là 1 USD.
Sau quá trình trên, chính quyền Việt Nam và Tây Ban Nha chỉ được trả thuế cho 1 USD còn DN bỏ túi 99 USD. Đây chính là một trong những hình thức lách luật để trốn thuế mà hầu hết các tập đoàn lớn đều đang áp dụng.
Thực tế, sự chênh lệch về mức thuế suất đã dẫn tới thực trạng diễn ra trên nhiều quốc gia trên thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong 15 năm qua, FDI vào các thiên đường trốn thuế đã tăng 4 lần.
Nguồn Enternews