Việc thực hiện các giải pháp tín dụng phát triển ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng, mà còn tạo cơ sở, nền tảng để phát triển ngành lâm sản, thủy sản gắn với phát triển bền vững, phát triển xanh và hàm lượng giá trị công nghệ cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Agribank là ngân hàng thương mại hoạt động chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, tỉ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong các năm luôn ở mức 65% - 70% tổng dư nợ cho vay, vốn tín dụng của Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt 963 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 63% dư nợ nền kinh tế, chiếm khoảng hơn 32% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn hệ thống ngân hàng. Dư nợ cho vay ngành lâm sản, thủy sản đạt hơn 128 nghìn tỉ đồng/243.275 khách hàng, chiếm 8,37% dư nợ nền kinh tế. Tính đến 31/3/2024, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản của Agribank đạt 74,5 nghìn tỉ đồng/15.000 khách hàng, trong đó: dư nợ cho vay khai thác, nuôi trồng thủy sản là 42,8 nghìn tỉ đồng, cho vay chế biến và xuất khẩu thủy sản là 9,2 nghìn tỉ đồng, cho vay kinh doanh thủy sản là 22,5 nghìn tỉ đồng; tổng dư nợ cho vay lĩnh vực lâm sản đạt gần 54 nghìn tỉ đồng/92.275 khách hàng, trong đó dư nợ cho vay ngành lâm nghiệp là 19,2 nghìn tỉ đồng, ngành gỗ là 34,6 nghìn tỉ đồng.
Triển khai thực hiện văn bản số 5631/NHNN-TD của NHNN về hướng dẫn triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với dự kiến quy mô 15.000 tỉ đồng và văn bản số 1813/NHNN-TD về việc tiếp tục triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của NHNN tại văn bản 5631, nâng quy mô cho vay lên 30.000 tỉ đồng; theo đó Agribank đã kịp thời ban hành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 3.000 tỉ đồng, đến 30/11/2023 Agribank đã giải ngân cho vay đạt quy mô 3.000 tỉ đồng theo cam kết và hoàn thành triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo văn bản 5631/NHNN-TD của NHNN, đồng thời tiếp tục đăng ký với NHNN dự kiến tăng quy mô giải ngân theo chương trình cho vay lâm sản, thủy sản lên 8.000 tỉ đồng (chiếm gần 30% quy mô của toàn ngành). Đến nay, doanh số cho vay triển khai từ đầu chương trình đã đạt gần 5.500 nghìn tỉ đồng, dư nợ đạt gần 5.000 tỉ đồng với hơn 3,3 nghìn lượt khách hàng vay vốn.
Hiện nay, Agribank tiếp tục giải ngân cho vay lâm sản, thủy sản theo gói 30.000 tỉ đồng của NHNN, đồng thời triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi nội bộ nhằm khuyến khích phát triển đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và các lĩnh vực ưu tiên quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư…).
Bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ về tín dụng lâm thủy sản của Agribank tại Hội thảo “Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD” do Báo Lao Động tổ chức
Vừa qua, tại Hội thảo “Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD” do Báo Lao Động tổ chức, Bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ: Mặc dù, việc triển khai cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Agribank đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên trong quá trình triển khai mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Khó khăn lớn nhất trong việc phát triển các chuỗi liên kết giá trị hiện nay là thiếu các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt, đủ lớn để giữ vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết; Tại các địa phương chưa có các chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng; Hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho Ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền; Chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh quan hệ, tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp nên khi gặp những tranh chấp diễn ra, không có cơ sở pháp lý để giải quyết, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng của người dân và doanh nghiệp; Khó khăn trong kiểm soát hồ sơ giải ngân vốn vay: Phong tục tập quán địa phương, việc mua sản phẩm của người dân không có hóa đơn, chứng từ và phần lớn sử dụng thanh toán tiền mặt…
Để triển khai có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank đề xuất một số giải pháp để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, cụ thể: Một là, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các Bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, kích thích tổng cầu; đồng thời, tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý. Hai là, đề xuất các Sở, Ban, Ngành, các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Agribank trong việc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt nhu cầu khách hàng, những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng được kịp thời.
Phó Tổng Giám đốc Phùng Thị Bình cũng đề cập tới mục tiêu và giải pháp đẩy mạnh tín dụng của Agribank trong thời gian tới: Thứ nhất, duy trì và tập trung chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên khác theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; Đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trong cho vay sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản. Thứ hai, tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và cho vay sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản nói riêng. Thứ ba, mở rộng quan hệ và tăng cường hợp tác chiến lược với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn; Triển khai có hiệu quả các thỏa thuận đã được ký kết giữa Agribank và đối tác, khách hàng; Chủ động tham gia xây dựng, kết nối các thành phần của chuỗi giá trị nông nghiệp từ nuôi trồng – thu mua – chế biến xuất khẩu để đảm bảo nguồn vốn đầu tư chủ động cho từng khâu, kiểm soát được dòng tiền, minh bạch tài chính. Thứ tư, đầu tư tín dụng hướng tới sản xuất chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất, kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường. Thứ năm, áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 trong hoạt động cho vay, từng bước cải tiến, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ban, ngành trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
Với mong muốn chuyển tải nguồn vốn thiết thực đến với người dân khắp mọi miền Tổ quốc, bên cạnh việc thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, Agribank còn tích cực triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách, không ngừng cung ứng vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống và đem lại lợi ích tối đa cho các đối tượng được thụ hưởng. Ngay từ đầu năm 2024, Agribank đã dành hơn 100 nghìn tỉ để tiếp tục triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng là người dân và doanh nghiệp với mức lãi suất thấp (trung bình từ 5% - 7%, mức lãi suất thấp nhất 3%). Ngoài ra, các khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng các tiêu chí đánh giá về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi ngắn hạn là 4% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thông qua giảm lãi suất, Agribank đã tích cực chia sẻ, hỗ trợ khách hàng bằng chính nguồn lực của mình (thu nhập 2 tháng đầu năm 2024 của Agribank giảm gần 1.200 tỉ đồng so cùng kỳ 2023). Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay, Agribank đã chủ động giảm tối đa đến 50% một số các loại phí phát sinh.
Một số các Chương trình tín dụng ưu đãi Agribank đang triển khai để hỗ trợ khách hàng: Chương trình cho vay ưu đãi khách hàng xuất nhập khẩu quy mô 25.000 tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 1% so với sàn lãi suất cho vay thông thường; Chương trình cho vay ưu đãi khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa quy mô 10.000 tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 0,7% so với sàn lãi suất cho vay thông thường; Chương trình ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp lớn tài trợ vốn ngắn hạn với quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay tối thiểu 3%; Chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng pháp nhân của Tập đoàn/Tổng Công ty thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước, quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 2,5% so với sàn lãi suất cho vay thông thường; Chương trình cho vay ưu đãi tài trợ Dự án đầu tư dành cho KHDN năm 2024, quy mô 15.000 tỷ đồng, lãi suất giảm tối thiểu là 6% cố định trong năm đầu...
Anh Thư