Thứ Sáu, 22/11/2024 17:27:54 GMT+7
Lượt xem: 3051

Tin đăng lúc 11-05-2018

An Giang: Tạo đà cho công nghiệp nông thôn phát triển

Từ nguồn kinh phí khuyến công, thời gian qua, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang (TTKC) triển khai có hiệu quả, qua đó tạo thuận lợi để các DN, cơ sở CNNT phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
An Giang: Tạo đà cho công nghiệp nông thôn phát triển
Tại cơ sở sản xuất túi ny - lon Tuyết Oanh

Được biết, năm 2017, tỉnh An Giang đã dành 4,55 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện một số nội dung, như: đào tạo việc làm; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tư vấn xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ liên doanh, liên kết sản xuất… Trong đó, đặc biệt, tỉnh đã dành gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 16 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh, mỗi cơ sở được hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị.

 

Điển hình có thể kể đến Cơ sở sản xuất Bánh phồng Trúc Linh tại ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân. Cơ sở này được TTKC tỉnh hỗ trợ kinh phí là 120 triệu đồng để đầu tư máy quết – trộn tự động với công suất 150kg/giờ. Theo đại diện cơ sở Trúc Linh cho biết, trước đây việc làm bánh phải dùng chày tay để quết bột, rất mất thời gian và công sức. Từ khi được hỗ trợ đầu tư thêm máy máy quết – trộn tự động, hiệu quả đem lại cho cơ sở là rất lớn. Các công đoạn làm bánh được rút ngắn, nếp quết bằng máy mịn hơn, dễ cán hơn so với bằng tay nên sản phẩm làm ra chất lượng đẹp hơn, số lượng bánh làm ra nhiều, chất lượng hơn. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất ra 3.000 cái bánh, thậm chí những lúc cao điểm, số lượng có thể tăng lên gấp đôi. Vì vậy, cơ sở luôn đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

 

Còn đối với Cơ sở sản xuất túi ny-lon Tuyết Oanh tại xã Tấn Mỹ, Chợ Mới, việc được TTKC hỗ trợ kinh phí ứng dụng dây chuyền dàn cắt dây đai 6 sợi tự động đã góp phần tăng năng suất lao động cho cơ sở. Bà Phạm Thị Tuyết Oanh, chủ cơ sở cho biết, nếu sử dụng phương pháp thủ công thì người thợ chỉ có thể cắt 20 cuộn dây mỗi ngày. Nhưng với dây chuyền cắt dây, năng suất đã tăng lên gấp 3 lần, nhờ vậy, người lao động có thể làm được nhiều sản phẩm hơn, thu nhập từ đó cũng được tăng theo.

 

Có thể thấy, hiệu quả của việc sử dụng nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất CNNT, nhất là hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất là rất lớn và được các DN, cơ sở CNNT đánh giá cao. Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Liên, Giám đốc TTKC Anh Giang thì hiện nay các cơ sở được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế trong khi nhu cầu được hỗ trợ là rất lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, TTKC sẽ tiến hành khảo sát, lựa chọn các DN tiêu biểu để hỗ trợ. Việc hỗ trợ dựa trên những tiêu chí như: Ngành, nghề sản xuất theo quy định của Bộ Công Thương, cơ sở hoạt động với ngành, nghề mới hoặc tạo ra sản phẩm mới; sản phẩm chất lượng, thị trường ổn định; cơ sở thụ hưởng phải có vốn đối ứng là 50% giá trị dự án hỗ trợ; các cơ sở nằm trong những địa phương là xã nông thôn mới...

 

Được biết, trong năm 2018, tỉnh dự kiến dành khoảng 12,4 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công, riêng chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng SX sạch hơn sẽ được hỗ trợ khoảng 11,4 tỷ đồng. Qua đó thấy được sự quyết tâm của tỉnh trong việc sát cánh với các DN, cơ sở CNNT, giúp các cơ sở vượt qua khó khăn, phát triển, mở rộng SXKD, góp phần vào sự phát triển KT - XH của tỉnh nhà./.

 

Minh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang