Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền là địa phương có nhiều lao động làm nghề đan giỏ lục bình. Với sự cần mẫn, cùng đôi bàn tay khéo léo trong lao động, người dân nơi đây không chỉ biến những sợi lục bình trôi nổi trên song, rạch thành sản phẩm gia dụng và xuất khẩu ra nước ngoài, mà còn góp phần giúp vùng đất Long Điền có thêm một nghề thủ công được nhiều người biết đến.
Theo người dân ở đây cho biết thì nghề đan lục bình rất dễ làm, chỉ cần để ý quan sát, cộng thêm chút khéo tay, cần cù là làm được. Nghề này không mất nhiều sức nên bất kể độ tuổi nào, từ người già đến trẻ em đều có thể làm được. Người lớn phụ trách các phần việc quan trọng như lên khuôn, làm quay, vào quay, còn trẻ em thì đan phần thân. Nhờ vậy, đan giỏ lục bình không chỉ giúp nhiều gia đình dạy con em biết lao động mà còn có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Chị Phạm Thị Sáp, trú tại Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền cho biết, năm 2014, chị vào học nghề đan lục bình tại Công ty TNHH Khang Việt Tiến, kết thúc khoá học, chị có thể đan được giỏ lục bình. Từ đó đến nay, ngoài công việc gia đình, thời gian rảnh rỗi chị lại đan lục bình, thu nhập mỗi tháng từ công việc này là khoảng 3-4 triệu đồng. Đây là công việc có thể làm tại nhà nên các thành viên trong gia đình cũng có thể làm lúc rảnh rỗi, các con của chị có thể kiếm thêm được từ 1,5 – 2 triệu/tháng từ việc đan lục bình, nhờ vậy, kinh tế gia đình cũng ngày một khấm khá hơn. Ở đây, hầu hết các gia đình đều làm công việc này và có thu nhập ổn định.
Nhận thấy đây là ngành nghề có nhiều triển vọng, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (TTKC) đã phối hợp với các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT), chính quyền các xã, thị trấn tổ chức nhiều lớp dạy đan lục bình, thu hút đông đảo người lao động ở nông thôn tham gia học nghề. Ông Đinh Trọng Cường – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, TTKC đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp như: Hỗ trợ các cơ sở trong việc đào tạo nghề, tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, vinh danh nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ…, nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ. Đồng thời, góp phần duy trì, phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả sẽ được TTKC tiếp tục nhân rộng.
Có thể thấy, nghề đan lục bình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đào đạo nghề là bước đi đúng đắn của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển nghề đan lục bình một cách bền vững, vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tạo đầu ra cho sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường này đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước./.
Minh Anh