Năm 2016 là năm TTKC Bà Rịa – Vũng Tàu ( Sở Công Thương) quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong phát triển sản xuất và kinh doanh. Cụ thể là việc tập trung triển khai 22 đề án khuyến công, giúp các DN có dịp tiếp cận, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh. Mặc dù hiện nay mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công còn hạn chế, song, nó lại có ý nghĩa vô cùng lớn và được coi như như “đòn bẩy” để tạo động lực khuyến khích các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mạnh dạn đầu tư nâng cấp máy móc và các trang thiết bị hiện đại.
Có thể kể đến một trong những DN thành công từ việc áp dụng máy móc hiện đại đó là Công ty TNHH TM Quang Thịnh (xã Tân Phước, huyện Tân Thành) - đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm bồn bể, phễu, ống khói bằng kim loại phục vụ trong ngành dân dụng, công nghiệp, chế biến hải sản... Mặc dù là một DN đã có những bước đột phá trong sản xuất kinh doanh, là nhà cung cấp sản phẩm cho nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh, nhưng với xu hướng phát triển hiện nay, khi những yêu cầu và đòi hỏi của khách hàng về chất lượng, tính mỹ thuật… của sản phẩm ngày càng cao, buộc DN sản xuất phải tự thay đổi mình bằng việc đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị, tăng năng suất và rút ngắn thời gian giao hàng.
Ông Nguyễn Quyết Tiến - Giám đốc Công ty Quang Thịnh cho biết: Đứng trước yêu cầu cần phải đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại, Công ty đã làm đề án và nhận được sự hỗ trợ 180 triệu từ chương trình khuyến công địa phương để đầu tư máy lốc tôn mới 100% của Ý. Sau khi đầu tư máy lốc tôn mới, năng suất và chất lượng sản phẩm của công ty được nâng cao rõ rệt, đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều khách hàng khó tính.
Hay tại DNTN XDTM Minh Phúc (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) – một trong những DN nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, sau khi được Trung tâm Khuyến công được hỗ trợ 200 triệu đồng, DN đã mạnh dạn bỏ thêm vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai tự động với tổng kinh phí 455 triệu đồng. Với dây chuyền hiện đại này, công suất của doanh nghiệp tăng từ 800 chai/giờ lên 3.000 chai/giờ; góp phần nâng thu nhập cho người lao động lên 4,5 triệu đồng/người/tháng và bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ông Đinh Trọng Cường - Giám đốc Trung tâm Khuyến công cho biết: Qua khảo sát, phần lớn các DN, cơ sở CNNT là các DN nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế. Vì vậy, việc hỗ trợ DN nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp và thu nhập của người lao động là nội dung chính được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2016, TTKC đã hoàn thành và nghiệm vu 6 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ là 950 triệu đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nổi bật là việc hỗ trợ các cơ sở CNNT áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất. Qua đó giúp DN tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường. Nhiều ngành nghề sản xuất CN - TTCN đã tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ, sử dụng lao động chuyên môn hóa nên đã tạo ra được sản phẩm với giá thành hợp lý, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ còn rất nặng nề, Trung tâm sẽ tiếp tục tập trung triển khai các đề án đã được phê duyệt để kịp tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng các DN, cơ sở CNNT trên con đường hội nhập./.
Hà Liên