Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công, Khuyến công Bắc Giang đã tổ chức thực hiện 222 đề án và huy động được gần 600 tỷ đồng nguồn vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại địa phương. Trong đó, Trung tâm đã hỗ trợ cho hàng trăm cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học… với hiệu quả kinh tế đem lại cho các doanh nghiệp rất cao. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công Bắc Giang còn tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho 1.410 học viên. Sau khi kết thúc các khóa học, đã có 1.086 lao động (chiếm tỷ lệ 77%) được các doanh nghiệp hoặc cơ sở CNNT tuyển dụng với thu nhập tốt. Điều này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cũng đã được Trung tâm thực hiện bài bản, hiệu quả. Theo đó, Khuyến công Bắc Giang đã tổ chức các gian hàng của tỉnh Bắc Giang tại các hội chợ, triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu trong nước. Đồng thời, thực hiện xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hàng; tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia; hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm… Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Khuyến công Bắc Giang đã giúp giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, mở rộng cơ hội đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các tỉnh bạn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, làng nghề của tỉnh quảng bá sản phẩm, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngoài ra, Trung tâm luôn quan tâm, duy trì và phát triển hình ảnh thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm công nghiệp, đặc sản làng nghề của tỉnh thông qua việc hỗ trợ tư vấn, thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm cho các cơ sở CNNT thuộc lĩnh vực chế biến nông sản, lâm sản có thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các mô hình khuyến công hiệu quả, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, của doanh nghiệp và làng nghề trên địa bàn…
Thời gian tới, để tiếp tục tạo sự chuyển hướng sâu rộng, làm động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn ở địa phương, Trung tâm Khuyến công Bắc Giang sẽ tập trung hỗ trợ những ngành, nghề có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, cũng như có khả năng tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đem lại giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghiệp dệt may, da giày gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Đặc biệt, Khuyến công Bắc Giang ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản; Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp có điều kiện phát triển và chú trọng phát triển nghề, cũng như làng nghề truyền thống, làng nghề mới ở những nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, khu vực dân tộc thiểu số.
Anh Minh