Thứ Bẩy, 05/10/2024 06:35:41 GMT+7
Lượt xem: 831

Tin đăng lúc 01-10-2024

Bắc Giang nỗ lực giải bài toán nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Năm 2023, doanh thu từ 3 doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp (CN) bán dẫn trên địa bàn Bắc Giang là gần 18.000 tỉ đồng. Đến năm 2030, nhu cầu tuyển dụng lao động trong ngành bán dẫn tại địa phương là khoảng 8.000 người. Đây là lí do khiến tỉnh Bắc Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là nâng cao cả về số lượng và chất lượng lao động cho ngành bán dẫn.
Bắc Giang nỗ lực giải bài toán nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
Đào tạo ngành vi mạch bán dẫn tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang

Theo thông tin tại buổi Hội thảo về thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành CN bán dẫn do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nói chung và nhân lực phục vụ ngành CN bán dẫn nói riêng, đến nay, Bắc Giang đã có 9 Khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, với tổng diện tích quy hoạch 2.252,3 ha, trong đó có 8 KCN đang hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã được chấp thuận là 69%. Theo Quy hoạch đến năm 2030, Bắc Giang sẽ có 29 KCN với tổng diện tích đất được quy hoạch là 7.000ha.

 

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, cho biết tính đến nay, tại các KCN của tỉnh Bắc Giang có 3 DN có ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn.

 

Cụ thê, Công ty TNHH Hana Micron Vina, KCN Vân Trung có tổng vốn đăng ký đầu tư là 643 triệu USD mục tiêu là sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác. Đây là công ty đầu tiên sản xuất chíp bán dẫn tại miền Bắc. Tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt 6.326 tỉ đồng.

 

Công ty TNHH Si Flex Việt Nam, KCN Quang Châu, có tổng vốn đăng ký đầu tư là 299 triệu USD. Mục tiêu sản xuất và lắp ráp bản mạch in mềm theo công nghệ gắn kết bề mặt, sản xuất tấm tản nhiệt, tấm làm cứng dành cho bản mạch điện tử, sản xuất màn hình cảm ứng. Tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt 11.602 tỉ đồng.

 

Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam, KCN Vân Trung, có tổng vốn đăng ký đầu tư dự án 21,2 triệu USD. Mục tiêu sản xuất bảng mạch PCB dùng để tra chất bán dẫn và linh kiện chất bán dẫn, lắp ráp linh kiện trên bản mạch PCB, sửa chữa linh kiện chất bán dẫn và các loại bảng mạch PCB. Tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt 31,62 tỉ đồng.

 

Hiện tại tổng số lao động làm việc trong các DN ngành CN bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là 8.074 người. Lao động được tuyển vào của DN đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật chủ yếu tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp các chuyên ngành về lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa…

 

Ông Nguyễn Xuân Ngọc cho biết, dự báo trong thời gian tới DN ngành CN bán dẫn tiếp tục đầu tư và phát triển tại các KCN với nhu cầu tuyển dụng lao động thêm năm 2024 là 1.866 lao động. Giai đoạn 2025-2030 cần khoảng 6.300 lao động, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 1.200 lao động (chủ yếu lao động tốt nghiệp chuyên ngành về các lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa…).

 

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã vươn mình trở thành một tỉnh có nhiều KCN tập trung nhiều nhà máy sản xuất thiết bị điện tử. Hiện nay, đã có hơn 27 quốc gia và vùng lãnh thổ bỏ vốn đầu tư vào các nhà máy, dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

 

Tuy nhiên, do ngành CN bán dẫn là ngành sản xuất mới tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành CN bán dẫn hạn chế, chủ yếu là lao động được đào tạo về các chuyên ngành học liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Bởi vậy, lao động Việt Nam được DN tuyển vào để đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về CN bán dẫn đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đặt ra của DN, nên DN đều phải đào tạo lao động từ đầu để nắm được thao tác và quy trình thực hiện công việc.

 

Ông Chung Won Seok, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina, bày tỏ, ngành bán dẫn đang khởi sắc. Hiện, công ty có trên 1.600 nhân sự, sản xuất 100 triệu chip/tháng. Nói về nguồn nhân lực, ông bày tỏ năng lực cạnh tranh của lao động Việt còn phải cải thiện. Ví dụ kỹ sư thiết bị mất khoảng 3 năm để đạt trình độ B để bảo dưỡng thiết bị, thay đổi loại sản phẩm, hiểu các công đoạn. Với vị trí phát hiện hỏng hóc, nhân viên Việt Nam được 30 điểm thì Trung Quốc, Hàn Quốc đạt lần lượt 70, 90 điểm.

 

Có thể nói, đối với một ngành còn khá mới mẻ như công nghiệp bán dẫn thì thách thức đặt ra cho các cơ sở đào tạo là rất lớn khi thị trường này thay đổi theo chu kỳ ngắn và khắt khe hơn, đồng thời kinh phí dành cho phần mềm máy móc và đào tạo cũng cao hơn.

 

Trước thực tế này, tỉnh Bắc Giang đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia tại các hội nghị, hội thảo khoa học để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Mục tiêu của tỉnh là sẽ đào tạo cho 3.000 nhà giáo, sinh viên trình độ đại học, sau đại học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI ở trong nước và nước ngoài (khoảng trên 600 người đi học tập ở nước ngoài); đào tạo cho 3.500 lao động trình độ cao đẳng; đào tạo trên 5.000 lao động trình độ trung cấp; đào tạo và hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho khoảng 8.500 lao động học các ngành nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin, AI.

 

Các chuyên gia đều đánh giá, việc thu hút nhân lực chất lượng cao sẽ quyết định đến nền tảng, trụ cột cho sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Bắc Giang. Vì vậy, tỉnh cần có những chính sách thu hút, khuyến khích các trường đào tạo phối hợp với doanh nghiệp để đạo tạo nguồn nhân lực lĩnh vực này.

 

Các chuyên gia cũng cho rằng, lĩnh vực công nghệ rất rộng, có liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau, vì thế, Bắc Giang cần xác định tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ đâu, khâu nào trong chuỗi cung ứng, lựa chọn công nghệ sản xuất nào để làm cơ sở cho việc kịp thời chuẩn bị đầu tư các nguồn lực phù hợp, đặc biệt là nguồn nhân lực. Trước hết, Bắc Giang cần xác định việc đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực phải đi trước một bước. Bên cạnh đào tạo mới nên chú trọng đào tạo bổ sung, đào tạo lại, rà soát đánh giá thực trạng năng lực, tổ chức đào tạo nhân lực ở các ngành nghề công việc có liên quan phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Cùng với đó, đẩy mạnh hoàn thiện và thực thi cơ chế thực hiện hiệu quả giữa nhà nước, nhà trường và DN tại địa phương và các vùng lân cận.

 

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, Bắc Giang với vị thế chiến lược và tiềm năng phát triển đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành CN bán dẫn. Để phát triển ngành CN này, tỉnh xác định phải tập trung vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và công nghệ; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các tổ chức đào tạo, DN và các nhà nghiên cứu để xây dựng một môi trường học tập và nghiên cứu tiên tiến, phản ánh đúng xu hướng và yêu cầu của ngành CN bán dẫn. Việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và giữ chân các chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm từ Trung ương và các DN quốc tế đóng vai trò rất quan trọng để ngành CN bán dẫn của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

 

Trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện, bảo đảm tính khả thi trong việc đào tạo, phát triển và cung ứng nhân lực cho ngành sản xuất bán dẫn, hình thành hệ sinh thái hợp tác liên kết đào tạo hiệu quả giữa nhà trường và DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

 

Minh Phương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang